Apple, Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ toàn cầu lớn đang phải đối mặt với triển vọng hoạt động bị siết chặt hơn bởi các quy định mới tại Australia, khi chính phủ nước này nỗ lực ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh.
Apple, Google, Facebook có thể “gặp khó” tại Australia |
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review (AFR), chuyên gia phân tích John Davidson cho biết, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) Rod Sims mới đây đã tiết lộ ông đang xem xét lại những quy định liên quan tới các công ty công nghệ toàn cầu.
Các cải cách, nếu có, sẽ bao gồm luật cấm Apple và Google tự ý ưu tiên các ứng dụng, dịch vụ và nền tảng thanh toán ví điện tử của mình được tiếp cận với người dùng trước các đối thủ cạnh tranh khác. Thậm chí, các chợ ứng dụng (app store) được cài đặt trên hai hệ điều hành Android và iOS cũng có khả năng bị quản lý dựa trên các quy tắc tương tự như cách thức quản lý ngành viễn thông Australia.
Những động thái được cho vào “tầm ngắm”
Dự kiến, ACCC sẽ thảo luận cùng ngành công nghiệp quốc gia về những cải cách này vào đầu năm tới, trước khi đưa ra khuyến nghị chính thức với Chính phủ Australia vào tháng 9/2022. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ cho phép Australia ngăn cấm các hành vi như bắt buộc sử dụng gói ứng dụng đi kèm với hệ điều hành điện thoại di động thông minh, ngăn chặn các nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán của riêng họ thay vì dùng ứng dụng có sẵn trên hệ điều hành. Trong trường hợp các công ty vi phạm, mức tiền phạt được cho là sẽ rất nặng.
Ông Sims cho biết, quy định “trước khi sự cố xảy ra” (ex-ante), theo đó các hành vi chống cạnh tranh cụ thể sẽ bị ngăn chặn trước thay vì để đến sau khi xảy ra hoặc sau hành vi thực tế mới xử lý, vốn đã được áp dụng trong thị trường điện và viễn thông của Australia từ vài năm trước.
Quy định này cũng đang được Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức, Nhật Bản và Mỹ xem xét áp dụng đối với các công ty công nghệ lớn. Hàn Quốc mới đây nhất cũng vừa thông qua việc điều chỉnh luật, tăng hạn chế đối với một số điều khoản liên quan tới cửa hàng ứng dụng trên các hệ điều hành của Apple và Google.
Đề xuất Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU bao gồm một bản danh sách đen các hành vi ứng xử của những hãng công nghệ lớn, mà các cơ quan quản lý muốn ngăn chặn. Bản danh sách kết hợp dữ liệu khách hàng từ các doanh nghiệp khác vào cùng một cơ sở dữ liệu.
Ví dụ, Apple được cho là đã cấm các nhà phát triển ứng dụng thông báo cho khách hàng của mình rằng họ có thể mua cùng một ứng dụng hoặc dịch vụ rẻ hơn bên ngoài cửa hàng ứng dụng Apple Store. Tương tự, Google cũng được cho là đã buộc các nhà sản xuất điện thoại cài đặt ứng dụng tìm kiếm Google Search vào các loại điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
Ông Sims khẳng định ACCC quan tâm đến tất cả những vấn đề này. Ngoài ra, ACCC cũng đặt trọng tâm đến vấn đề “tự ưu tiên” (self-preferencing). Quyền “tự ưu tiên”, được hiểu là các công ty như Apple và Google tự ý ưu tiên quảng bá phần mềm và dịch vụ của mình trước các sản phẩm cạnh tranh khác.
Chủ tịch cơ quan chống cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Australia nói: “Các nền tảng kỹ thuật số hiện nay tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tài chính và Apple sẽ không cho phép khách hàng sử dụng điện thoại của hãng được dùng bất kỳ loại ứng dụng dịch vụ thanh toán di động bằng chip NFC (ví điện tử) nào khác ngoài ứng dụng Apple Pay để thực hiện thanh toán không tiếp xúc. Có rất nhiều vấn đề mà tôi nghĩ rằng, mặc dù chúng hiện đang được chấp nhận, nhưng cần được giải quyết”.
Quyết tâm siết chặt các quy định hiện hành
Tháng 8/2021, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg đã đề xuất thắt chặt quản lý hơn nữa đối với vai trò của các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, từ đó đưa tới một gợi ý rằng biện pháp kích hoạt lợi ích quốc gia có thể sẽ được Canberra sử dụng để yêu cầu Apple mở ví điện tử Apple Pay cho các đối thủ cạnh tranh như Ngân hàng Commonwealth.
Tuy nhiên, việc một nền tảng kỹ thuật số toàn diện đang chi phối hàng loạt các vấn đề công nghệ chỉ là một trong những lựa chọn mà ACCC sẽ đưa ra trong cuộc tham vấn kéo dài nhiều tháng với ngành công nghiệp quốc gia và các cơ quan quản lý khác vào năm tới. Ông Sims cho biết, các tùy chọn sẽ bao gồm từ “không có thêm bất kỳ quy định nào đến rất nhiều điều chỉnh mới”.
Một điểm đáng lưu ý là ACCC có khả năng sẽ xem xét để điều chỉnh Luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng, tương tự những sửa đổi đã thực hiện trong các điều khoản quy định đối với dịch vụ viễn thông, cho phép ngành này mở rộng cạnh tranh, theo cách mà các cơ quan quản lý đã thực hiện với các dịch vụ băng thông rộng NBN.
Ông Sims nói: “Chúng tôi thực sự muốn tiếp cận vấn đề này với một tinh thần cởi mở, nhưng chắc chắn sẽ xem xét chúng tương tự như những gì đã từng làm với các quy định về dịch vụ viễn thông. Điều này cho phép chúng tôi áp đặt một số quy tắc cạnh tranh nhất định ... ngăn chặn họ tự ưu tiên, thiết lập quy định về cách mà họ có thể đối phó với các xung đột lợi ích và một số vấn đề liên quan tới cạnh tranh và người tiêu dùng”.
Theo ông Sims, lợi ích của việc sửa đổi Luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng là để tạo điều kiện cho tòa án được áp dụng khoản tiền phạt khổng lồ, lên tới 10% doanh thu, đồng thời cho phép các thẩm phán ra lệnh cho các công ty bị truy tố buộc phải tuân thủ luật định.
Báo cáo tham vấn cuối cùng của ACCC với Canberra sẽ được đưa ra vào tháng 9/2022, sau khi cuộc điều tra kéo dài 5 năm (tính đến thời điểm đó) về các công ty công nghệ lớn kết thúc.
Jacqueline Downes, một đối tác của công ty luật Allens, chuyên phụ trách lĩnh vực cạnh tranh doanh nghiệp, cho biết quá trình khởi tố các vi phạm của những công ty công nghệ lớn đã bị chậm trễ khi áp dụng các quy định hiện có. Việc sớm bổ sung các quy định vào luật hiện hành sẽ giúp cho việc thực thi Luật Cạnh tranh dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Giáo sư Deborah Healey, một chuyên gia về Luật Cạnh tranh, Giám đốc Trung tâm Herbert Smith Freehills CIBEL tại Đại học New South Wales, cho biết đã có bằng chứng chỉ ra rằng “các nền tảng kỹ thuật số đã phát triển quá lớn và đa dạng để có thể được quản lý theo luật cạnh tranh truyền thống”. Điều này có nghĩa là một số luật sẽ cần phải được cập nhật và sửa đổi đề phù hợp với tình hình.
Tuy nhiên, câu hỏi hóc búa là luật nào sẽ cần được cập nhật và sửa đổi? Bà Healey nói: “Dĩ nhiên, quy định "ex-ante" là cần thiết trong một số lĩnh vực, nhưng chúng sẽ áp dụng cho đối tượng nào và liệu sẽ thành công hay bị lạm dụng lại là những vấn đề quan trọng cần phải được xem xét cẩn trọng hơn”.
Theo Bnews
Australia: Hãng tin phải chịu trách nhiệm về bình luận trên Facebook
Tòa án tuyên rằng khi lập ra một trang Facebook công khai và đăng nội dung trên đó, các hãng tin tức đã hỗ trợ việc xuất bản các bình luận, do đó phải chịu trách nhiệm về các bình luận đó.