Trang tin The Hollywood Reporter cho biết hãng phim của Apple hiện vẫn chưa được đặt tên chính thức, song sẽ do các giám đốc bộ phận Worldwide Video mới của công ty là Zack Van Amburg và Jamie Erlicht điều hành.
Bộ đôi Van Amburg và Erlicht trước đó đã từng Sony Pictures Television, một xưởng sản xuất phim truyền hình nổi tiếng khác của hãng Sony. Việc bộ đôi này mở một hãng phim riêng cho Apple là động thái không có gì bất ngờ. Theo The Hollywood Reporter, "việc này không còn là chuyện "có làm không" nữa mà chỉ là "khi nào làm" mà thôi." Tất cả danh sách các phim truyền hình sẽ được stream trên dịch vụ Apple TV Plus (sẽ ra mắt vào ngày 1/11/2019) hiện tại đều do các hãng phim (studio) khác sản xuất và sở hữu. Thực tế là Apple không có quyền sở hữu với các chương trình này – họ phải xin giấy phép từ các nhà sản xuất khác với mức giá rất đắt đỏ.
Kế hoạch lập studio riêng để tự làm phim nhiều khả năng sẽ giúp Apple cắt giảm được nhiều chi phí và thu về khoản doanh thu lớn hơn đáng kể. The Hollywood Reporter cho biết bộ phim truyền hình đầu tiên do hãng phim của Apple thực hiện sẽ có tên là Masters of the Air, một phần ngoại truyện khác của loạt phim Band of Brothers và The Pacific vốn đã rất nổi tiếng. Bộ phim này sẽ do Tom Hanks và Steven Spielberg sản xuất (Apple cũng đang hợp tác với Spielberg sản xuất một series hợp tuyển Amazing Stories).
Theo lẽ tự nhiên, càng có thêm nhiều chương trình truyền hình được ra mắt, khán giả sẽ càng được lợi. Nhất là khi đây lại là một bộ phim truyền hình kế thừa các giá trị của những chương trình TV cũ, một thời được những người trẻ thế hệ trước rất yêu thích. Nay, những khán giả đó giờ đã trưởng thành, và một bộ phim giúp họ sống lại những ký ức thuở còn thanh niên sẽ rất được đón chờ.
Tuy nhiên, việc Apple mở studio riêng lại đang vô tình nối tiếp một xu thế vô cùng nguy hiểm của ngành điện ảnh và truyền hình thế giới, đó là mô hình "tích hợp dọc". Các hãng lớn như Disney, Warner Bros., Netflix cùng một số hãng sản xuất phim và cung cấp dịch vụ streaming lớn khác đều đã bắt đầu tự sản xuất nội dung riêng của mình và sau đó phân phối độc quyền trên các nền tảng ứng dụng và dịch vụ do chính công ty đó sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng nếu muốn theo sát trào lưu văn hoá điện ảnh đương đại, họ sẽ cần phải đăng ký thuê bao của nhiều dịch vụ cùng một lúc để xem được tất cả các chương trình do nhiều công ty khác nhau sản xuất.
Mô hình tích hợp dọc của Hollywood trước đó đã từng nổi lên vào thập niên 1940. Khi đó, các studio ở Hollywood đã phải tự nguyện từ bỏ quyền sở hữu các rạp chiếu bóng chỉ chiếu các bộ phim do chính studio đó sản xuất, để tránh vướng vào các vụ kiện và các vấn đề pháp lý.
10 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến thế giới Hollywood dần quay trở lại với ý tưởng mỗi công ty, tập đoàn sở hữu mọi khía cạnh của từng sản phẩm truyền thông và đã rất thành công. Netflix, một công ty truyền thông số khởi nghiệp với "gốc gác" ở Thung lũng Silicon, đã cho thế giới Hollywood thấy một hình mẫu của việc thu lợi nhuận tốt từ ví tiền của khán giả là như thế nào.
Tuy nhiên, mô hình tích hợp dọc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi nó sẽ giới hạn các thể loại nội dung mà khán giả có thể thưởng thức và cả những người tham gia thực hiện những chương trình đó. Việc Apple "nhảy" vào làm phim và phim truyền hình là một ý tưởng hấp dẫn; thông tin về những show truyền hình mà công ty đang sản xuất nghe cũng không phải là không thú vị. Tuy nhiên, Apple được cho là đã bắt đầu có những động thái "kiểm duyệt" nội dung trên nền tảng của mình. Chắc chắn, Táo Khuyết cũng sẽ cùng với Disney và các studio lớn khác tham gia cuộc đua để làm ra những chương trình ở mức độ "cơ bản", phù hợp với mọi đối tượng khán giả và không gây kích động nhất có thể. Đó thực sự là mối đe doạ lớn đối với sự phong phú và đa dạng của văn hoá Hollywood.
Quang Huy