Cuối tháng 10 tới đây, tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) sẽ tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trải qua một hành trình dài suốt 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành tham vấn chính thức về COC vào tháng 3/2018, các bên đã đạt được văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC vào tháng 8 cùng năm và hoàn thành vòng đọc đầu tiên vào cuối tháng 7/2019.

W-biendong-5.png
Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị ASEAN - Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) tại Jakarta (Indonesia) hồi tháng 7/2023, hai bên đã kết thúc vòng đọc văn kiện lần thứ hai và thông qua Tài liệu hướng dẫn thúc đẩy sớm hoàn tất COC thực chất và hiệu quả​.

Theo các nhà ngoại giao, nếu tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), Trung Quốc và các nước ASEAN khởi động vòng đọc văn kiện lần thứ ba dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ là một bước tiến mới, quan trọng trong tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được COC, góp phần mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực ở biển Đông. 

Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, nêu rõ, thực hiện đầy đủ DOC (năm 2002), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (năm 2011) và sớm đạt được COC; coi đây là bước đi cấp thiết trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015; đồng thời, tạo tiền đề để giải quyết triệt để và lâu dài đối với tranh chấp phức tạp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.

Theo đó, ASEAN cùng Trung Quốc cần sớm xây dựng và ban hành COC mang tính ràng buộc pháp lý, khắc phục những điểm bất cập của DOC, dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, TAC và các văn bản pháp lý liên quan khác. Chuyên gia nhiều nước ASEAN cho rằng, COC cần đảm bảo những quan điểm, nội dung cơ bản sau:

Các bên tham gia ký kết COC phải là toàn bộ thành viên của ASEAN và Trung Quốc, có thể xem xét việc tham gia của các quốc gia có lợi ích liên quan. COC phải là văn bản pháp lý tạo khuôn mẫu cho quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong bối cảnh ở Biển Đông đang tồn tại nhiều tranh chấp do lịch sử để lại và nhu cầu sử dụng biển của các quốc gia trong khu vực và quốc tế đang tăng lên; phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong vấn đề an ninh trên Biển Đông.

Các nội dung của COC và việc triển khai thực hiện COC phải tuân thủ nguyên tắc của UNCLOS, TAC, SEANWFZ, 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, kế thừa các quy định trong DOC và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế đã được thừa nhận; phải thiết lập các nguyên tắc chung về việc không sử dụng bạo lực, tránh đe dọa, ngăn ngừa xung đột, đồng thời giúp giải quyết những va chạm xung quanh việc khai thác và đánh bắt trên biển, đảm bảo an toàn trên biển.  

Phạm vi áp dụng của COC phải được xác định rõ bao gồm tất cả các đảo và vùng nước bên ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở, lãnh hải của các quốc gia ven biển và các đảo ở Biển Đông. Cần phân định rõ khu vực tranh chấp và không tranh chấp, xác định rõ những hoạt động được phép và không được phép thực hiện tại khu vực tranh chấp; đặc biệt là tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quyền tự do và an ninh hàng hải, an ninh hàng không tại Biển Đông phù hợp với quy định của UNCLOS.

Các bên liên quan cần đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa thông qua các hoạt động chung, như: nghiên cứu đại dương, hợp tác nghề cá, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cướp biển, chống khủng bố, tuần tra chung, tập trận chung; nghiêm cấm các hành động làm gia tăng xung đột, tranh chấp ở Biển Đông.

Các quốc gia ký kết COC cần xem xét thành lập Cơ quan An ninh hàng hải (MSA) để kiểm soát và quản lý các mối đe dọa an ninh hàng hải và đảm bảo tuân thủ nghiêm túc COC; đề ra các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm thiểu rủi ro; giải thích và thống nhất hướng dẫn thực thi UNCLOS đối với các thành viên liên quan. MSA sẽ báo cáo trực tiếp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hoặc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc.

Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Là thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng COC thực sự là cơ sở pháp lý hàng đầu, nhân tố quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cho vùng Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV