Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đặt ra mục tiêu giảm 20% cường độ sử dụng năng lượng vào năm 2020 và 30% vào năm 2025, nhằm xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững và đáng tin cậy phục vụ cho tương lai phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, phương pháp tiếp cận, chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả của các nước trong khu vực ASEAN là khác nhau cả về quy mô, khung thời gian và đối tượng, phần lớn các quốc gia này đều xây dựng mục tiêu hiệu quả sử dụng năng lượng cho riêng mình.

{keywords}
ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững. Ảnh minh họa

Tại ASEAN, các tòa nhà chiếm tới 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng, đây cũng chính là đối tượng tiềm năng để tiết kiệm năng lượng ở mức cao nhất. Do đó, việc ứng dụng mã sử dụng năng lượng trong các tòa nhà được xem là một giải pháp cho chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả.

Điển hình tại 2 quốc gia Thái Lan và Malaysia đã cho đánh mã tòa nhà để khuyến khích hoạt động thiết kế và xây dựng sao cho đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng tối ưu. Trong đó, Thái Lan ứng dụng mã tòa nhà từ giữa năm 2018 đối với các công trình có diện tích 10.000 m². Những tòa nhà này có quy định về lượng ánh sáng, nước nóng, hệ thống điều hòa sử dụng riêng. Những mã mới này có khả năng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tới 10%.

Với mục tiêu đạt 80% tòa nhà xanh vào năm 2030, Singapore cũng đã tiến hành phân tích dữ liệu để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà.

Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư.

Trong thực tế, từ nhiều năm qua đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, từ tư vấn xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ đến đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2015, Việt Nam tiết kiệm khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện.

Theo bản đánh giá "Triển vọng Công nghệ" của tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP, công nghệ sẽ là chìa khóa quyết định mức tiết kiệm năng lượng trong tương lai. Theo đó, công nghệ có thể tiết kiệm tới 40% mức sử dụng năng lượng cơ bản, đồng thời giảm lượng phát thải CO2 tới 13,5 tỷ tấn.

Còn theo The Asean Post, trong tương lai, nhu cầu sử dụng năng lượng ở Đông Nam Á chủ yếu bị chi phối bởi ngành công nghiệp bao gồm sản xuất thép, ô tô, xi măng, hóa dầu và hóa chất. Do đó, BP cho rằng cần có những lộ trình cả về mặt kỹ thuật và kinh tế để hướng tới mục tiêu cắt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của ngành công nghiệp từ 10 - 20% vào năm 2025.

Bạch Hân