Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí trong lĩnh vực dệt may và da giày
Đại diện một số nước ASEAN cùng các đối tác và khoảng 130 đại biểu vừa tham dự hội thảo trực tuyến về thúc đẩy thương mại, đầu tư hàng tiêu dùng và công nghệ y tế trong khu vực ASEAN.
Hội thảo được chia thành một số chủ đề riêng rẽ, bao gồm bối cảnh chung và chuỗi giá trị; sự bổ sung của ASEAN, triển vọng của lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ y tế trong khu vực.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã thông tin về một số điểm liên quan đến lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, cụ thể là ở ngành dệt may và da giày ở Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm trước đó. Trong số các mặt hàng, dệt may và da giày đóng vai trò then chốt, với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2019.
Theo ông Hải, ngành dệt may và da giày cũng nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 khi giá trị xuất khẩu bị giảm đáng kể trong năm 2020 dù đã khôi phục khá tốt trong quý I/2021 và có triển vọng tốt hơn nhiều trong năm 2021-2022.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới về ngành dệt may và là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về ngành da giày (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, 80% sản lượng giày dép xuất khẩu đến từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nguồn cung cấp nguyên liệu bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu trên thế giới cũng giảm mạnh. Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa cơ sở cung ứng cho sản xuất trong nước với các nguồn nhập khẩu nguyên liệu khác nhau ở cả ngành dệt may và da giày nhằm giảm thiểu rủi ro nguồn cung.
Để được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), các thương hiệu và nhà cung cấp tại Việt Nam cũng đang nỗ lực mở rộng sử dụng nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí trong lĩnh vực dệt may và da giày, chủ yếu do giá nhân công thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
ASEAN là thị trường rộng lớn với nền kinh tế tăng trưởng khá
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, ASEAN là thị trường rộng lớn với nền kinh tế tăng trưởng khá, do vậy, ASEAN không chỉ là nhà cung cấp lớn các sản phẩm tiêu dùng mà cũng là một thị trường nội địa rộng lớn. Thu nhập của người dân ASEAN ngày càng tăng cũng làm thay đổi hành vi, hướng tới với các sản phẩm chất lượng cao hơn, trong đó có các sản phẩm dệt may và da giày.
Đây là lý do khiến Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực này, ngoài lợi ích tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng lao động. Trong nỗ lực này, Chính phủ Việt Nam luôn dành mối quan tâm lớn cho các vấn đề môi trường khi phát triển các ngành nghề, trong đó có ngành dệt may và da giày.
Việt Nam cũng tiếp tục có các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, như hạ tầng giao thông vận tải, dịch vụ logistics, năng lượng,... Điều này cũng có lợi cho sự phát triển và mở rộng của ngành dệt may và da giày.
ASEAN sản xuất nhiều loại thiết bị y tế khác nhau
Đối với lĩnh vực công nghệ y tế, khả năng sản xuất đa dạng và khả năng chuyên môn hóa trong ASEAN đang thúc đẩy sự phát triển của khu vực với tư cách là một trong những nhà cung cấp chính trong lĩnh vực công nghệ y tế. ASEAN sản xuất nhiều loại thiết bị y tế khác nhau, từ cung cấp số lượng lớn vật tư y tế cho đến các thiết bị y tế hiện đại và ước tính chiếm khoảng 5-7% xuất khẩu thiết bị y tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, nhu cầu về thiết bị y tế hiện đại đang gia tăng do tình trạng già hóa dân số nhanh hơn, tầng lớp trung lưu cũng tăng nhanh hơn, trong khi cơ sở y tế còn thiếu trang thiết bị hiện đại.
Hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất thiết bị y tế thông thường và vật tư y tế, song về lâu dài sẽ hướng tới sản xuất các sản phẩm, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao ở ngay trong nước. Do vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này được đặc biệt khuyến khích và tất cả các nhà đầu tư nước ngoài được hoan nghênh đến Việt Nam.
Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng cho rằng, cần có mạng lưới tốt hơn giữa các nước ASEAN, đặc biệt là giữa các hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành để trao đổi thông tin và kết nối với các nước công nghệ cao về y tế để cung ứng kịp thời các thiết bị y tế và dược phẩm.
Quyết Thắng