Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuỗi sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" vừa diễn ra đầu tháng 8 đã thu hút sự quan tâm của công chúng về những dịch vụ, tiện ích mới lĩnh vực ngân hàng mà chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những thành công bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi", khi bàn về việc các ngân hàng thương mại Việt Nam cần tiếp thu và học hỏi những kinh nghiệm gì từ việc chuyển đổi số thành công của các ngân hàng ở những nước có nền kinh tế phát triển với nền công nghệ số hiện đại và thông minh, TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng: "Các NHTM cần rút ra 3 bài học từ các tổ chức quốc tế thành công.
Đầu tiên là thay đổi mô hình kinh doanh. Bây giờ không còn mô hình chi nhánh vật lý nữa, dần dần sẽ giảm. Chủ yếu sẽ là qua kênh số và trên 1 cái app là có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Mô hình kinh doanh thay đổi thì tư duy phải thay đổi và cách làm việc phải thay đổi.
Bài học đầu tiên này, tôi lấy ví dụ là chúng tôi đã khảo sát có 1 ngân hàng đã thay đổi là giữa sếp và nhân viên làm việc không có khoảng cách, tất cả trên một mặt bằng, cùng uống cà phê, cùng trao đổi về ý tưởng để đưa ra giải pháp, chẳng hạn ý tưởng sáng tạo để đưa ra sản phẩm mới. Tất cả sẽ chụm đầu lại và đưa ra ý tưởng, thiết kế như thế nào, quy trình và giải pháp ra sao…
Bài học thứ hai là, ai cũng nói "hướng đến khách hàng là trung tâm". Như vậy là tất cả lợi ích, tiện ích lớn nhất phải mang đến cho khách hàng và bảo vệ an toàn cho khách hàng. Tôi nghĩ rằng bài học này các ngân hàng ở nước ngoài làm rất tốt. Lúc nãy đại diện HDB chia sẻ và một số lãnh đạo ngân hàng nói trong phóng sự, đó là: Cá thể hóa các sản phẩm đến từng cá nhân một. Rõ ràng nếu anh muốn làm được việc đó thì đương nhiên anh phải nghiên cứu, học hỏi và phân tích dữ liệu.
Đây chính là cái mà chúng tôi mong muốn, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà nếu không có 1 cơ sở dữ liệu chung của nền kinh tế và cơ sở dữ liệu dân cư của nền kinh tế thì ngành Ngân hàng muốn làm cũng khó, không làm được. Ví dụ như về nhân khẩu học, tại sao Việt Nam rất có lợi thế là bởi vì thế hệ 9x và 8x rất nhiều nên rất nhanh để nắm bắt xu hướng này. Đây là bài học thứ 2 mà tôi nghĩ các ngân hàng phải hướng đến.
Bài học thứ ba thì không có con đường nào khác là phải đổi mới nhân sự một cách rất mãnh liệt, thậm chí sa thải rất nhiều nhân viên. Chúng tôi thống kê được là các NHTM cổ phần Việt Nam đã có những bước đi tiên phong là tuyển rất nhiều nhân lực cho IT và chiếm một tỉ lệ khá cao, thậm chí là 7-8% trong tổng số nhân sự. Ví dụ như MB, HDB cũng tăng lượng nhân sự cho IT rất lớn. Như vậy, vấn đề nhân sự là cốt lõi.
Có lẽ còn nhiều yếu tố khác nhưng tôi nghĩ đó là 3 bài học chủ yếu".
Ngọc Dũng (ghi), Đăng Tấn, Thảo Hiền