Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng giống keo lai nuôi cấy mô là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị rừng sản xuất, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Tại 2 xã Minh Khai, Quang Trọng, việc trồng khảo nghiệm giống keo lai nuôi cấy mô được thực hiện khá thành công. Chị Hoàng Thị Đào, xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai chia sẻ: Ngoài được hỗ trợ cây giống, phân bón, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Đến nay, rừng keo sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 100%.

{keywords}
Bà con Thạch An sống ổn nhờ trồng rừng keo lai nuôi cấy mô

Ông Lô Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã Quang Trọng phấn khởi chia sẻ, xã có 7 cá nhân và 3 nhóm hộ gia đình tham gia mô hình trồng 20 ha. Mô hình triển khai từ tháng 4/2018, đến nay, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, phát triển nhanh so với trồng các loại cây giống bản địa; giống cây khỏe, “sạch” nên diện tích keo lai nằm trong mô hình có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt. Các hộ tham gia mô hình được cán bộ chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông và Giống lâm nghiệp tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón theo phương pháp mới từ khâu trồng, bón phân, tỉa cành nên cây sinh trưởng tốt hơn; tỷ lệ sống cao, thân to…

Hiện nay, diện tích rừng keo lai nuôi cấy mô chưa đến tuổi khai thác, nhưng qua theo dõi, đánh giá có nhiều ưu điểm do sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống đạt cao. Từ mô hình trồng cây keo lai mô, người dân bước đầu nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, chủ động thay đổi dần cách trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế.

Hơn 2 năm trước, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Giống lâm nghiệp tỉnh phối hợp với 3 xã: Minh Khai, Quang Trọng (Thạch An); Đại Tiến (Hòa An) triển khai thí điểm mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô” với 40 hộ tham gia trồng 54 ha. Trong đó, huyện Thạch An 36 ha, huyện Hòa An 18 ha.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống cây, 50% phân bón. Đây là mô hình đầu tiên được tiếp cận khoa học kỹ thuật đồng bộ nên bước đầu đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới cho nông dân về đầu tư thâm canh rừng sản xuất. Hiện, các địa phương đang tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng tới mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thực hiện mô hình, giống keo lai nuôi cấy mô phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Dự kiến sau chu kỳ 8 - 10 năm trồng, rừng keo lai nuôi cấy mô của một số gia đình trên địa bàn 2 xã Minh Khai, Quang Trọng (Thạch An) có thể đạt từ 100 - 120m3 gỗ/ha, giá trị kinh tế mang lại bình quân 150 triệu đồng/ha. Trong khi hình thức canh tác, trồng rừng truyền thống được người dân trên địa bàn duy trì đã nhiều năm nhưng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha/năm và khoảng 70 triệu đồng/ha/năm với chu kỳ khai thác 7 năm.

Bà Bế Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống lâm nghiệp tỉnh đánh giá: Giống keo lai nuôi cấy mô có rất nhiều ưu điểm như cây con nuôi cấy mô được lấy mẫu từ cây mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt ở ngoài thực địa, được thông qua cải thiện giống về di truyền; cây mẹ có tán tròn đều; gốc phân cành lớn; thân cây chính có độ thon thẳng. Mẫu để nhân giống được lấy ở đỉnh sinh trưởng - là cơ quan trẻ hóa nhất từ cây bố mẹ; có đặc tính luôn phát triển theo chiều thẳng đứng… Đặc biệt, cây keo lai nuôi cấy mô chỉ cho 1 thân chứ không phát triển thành 2 thân như cây keo lai giâm hom nên giảm thiểu việc nuôi dưỡng rừng.

Sau hơn 2 năm triển khai, từ thực tế cho thấy mô hình trồng thâm canh keo lai nuôi cấy mô đang có triển vọng tốt, cây có tỷ lệ sống trên 90%, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đường kính gốc trung bình từ 15 - 20cm, cao 7 - 8m, ít sâu bệnh, phát triển nhanh gấp 1,5 - 2 lần so với trồng các loại giống bản địa. Đặc biệt, cây keo lai có mật độ trồng thưa hơn cây giâm hom, khoảng cách cây cách cây 2,5m, hàng cách hàng 3m, ít gãy đổ... Nhờ đó bà con nông dân sử dụng keo lai nuôi cấy mô trồng rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp giúp người dân nâng mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tuyết Nhung