Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Quỳnh Hoa (hiện sống ở Nagano, Nhật Bản) như vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích. Ở đó, mọi thứ nhỏ xinh, vừa vặn và tươi tắn đúng như mơ ước thời thơ ấu của bà mẹ 2 con về một ngôi nhà gỗ như trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên nổi tiếng với thế hệ 8X.
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa chia sẻ, tổng diện tích ngôi nhà chỉ 80m2 bao gồm cả vườn và 2 ban công, vì thế các phòng khá nhỏ với gia đình 4 người. Ở Nhật, có rất nhiều cửa hàng bán đồ nội thất xinh xắn nhưng chị vẫn thấy những món đồ bán sẵn không đáp ứng được mong muốn của chị về mặt công năng cũng như tính thẩm mỹ.
Đó là lý do chị quyết định tự đóng các món đồ nội, ngoại thất cho ngôi nhà theo phong cách đồng quê.
“Trước đây, mình chưa từng động vào các dụng cụ như búa, khoan, cưa. Nhưng mình đã tự mày mò học hỏi qua tạp chí và YouTube về một số kĩ năng làm mộc”.
Sau khi tìm hiểu các kiến thức cơ bản, chị bắt tay vào đóng chiếc kệ gia vị đầu tiên trong bếp. Lúc đó, chưa có dụng cụ đóng chuyên nghiệp, chị chỉ mua mấy đồ cơ bản như búa, thước ở cửa hàng 100 Yên.
Sau khi đóng thành công chiếc kệ gỗ đựng gia vị, chị cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu yêu thích việc DIY (tự đóng đồ) trong nhà. Để đóng được nhiều món đồ phức tạp hơn, chị đầu tư mua thêm dụng cụ, máy móc. “Việc tự đóng các sản phẩm không quá khó, khi nắm được kĩ thuật đóng cơ bản và sử dụng thành thạo công cụ thì với cơ thể nhỏ bé như mình vẫn có thể làm ra các sản phẩm to và nặng trong nhà” - chị Hoa chia sẻ.
Ở Nhật, việc mua các dụng cụ và nguyên liệu để đóng đồ gỗ tại nhà không khó. Các vật dụng cơ bản và gỗ đều có thể mua tại các hệ thống Home Center.
Để cho ra đời một món đồ, chị Hoa thường thực hiện một quy trình gồm 5 bước cơ bản. “Bước đầu tiên là lên ý tưởng, sau đó phác thảo ra giấy, tính toán kích thước sản phẩm và tính số lượng gỗ phải sử dụng. Bước thứ hai là cưa cắt gỗ bằng máy cưa bàn tại nhà. Bước thứ ba là xử lý mặt gỗ bằng máy chà nhám.
Bước thứ tư, đóng sản phẩm bằng máy khoan cầm tay. Bước cuối, quét chống thấm và dầu hoàn thiện”.
Trong quá trình làm, khó khăn lớn nhất là gặp tình trạng gỗ cong vênh khiến việc đóng đồ bị sai lệch. Cách xử lý cho tình huống này là phải khoan vít chính xác. “Công đoạn này luôn tốn nhiều sức lực vì tay phụ nữ không khoẻ bằng tay đàn ông”.
“Chồng mình hay gọi đùa vợ là ‘người phụ nữ lực điền’ vì đồ đạc trong nhà mình đều có thể tự bê vác, sửa chữa, sắp xếp và thực hiện được một mình”.
Chị Hoa tâm sự, việc này ở Nhật không có gì lạ vì phụ nữ Nhật có thể tự mình làm mọi việc trong nhà. “Thực ra, do tính chất công việc của chồng nên anh cũng ít có thời gian rảnh. Mình cũng thông cảm và từ đó, tự mình học cách trở thành một người đàn ông thứ hai trong gia đình”.
Tuy nhiên, khi tan công sở về, chồng chị rất tích cực tham gia các công việc nhà cùng vợ và các con. Gia đình chị luôn cùng nhau chia sẻ mọi việc bởi chị quan niệm, để có một tổ ấm hạnh phúc, chắc chắn không thể chỉ có công sức của một người.
“Mình đã luôn chia sẻ với các con thế nào là một ngôi nhà hạnh phúc. Mình dạy chúng chơi ở một chỗ quy định và chơi xong dọn dẹp, phân loại đồ đạc, sắp xếp mọi thứ đúng vị trí. Các con được chia nhiệm vụ, chọn một căn phòng trong nhà để quản lý. Mình dọn phòng khách, phòng bếp. Con gái lớn dọn phòng tắm, phòng ngủ. Ba dọn vườn, đổ rác, toilet. Con gái út dọn phòng sinh hoạt, xếp tủ quần áo. Ai cũng có trách nhiệm với ngôi nhà mà mình đang sống. Có vậy, ngôi nhà mới luôn sạch sẽ, gọn gàng, xinh đẹp”.
Chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thực hiện được ước mơ về một ngôi nhà gỗ nhỏ xinh từ thuở bé. Ngày mới chuyển tới, căn nhà này chỉ là một không gian lạnh lẽo với 4 bức tường trắng và một mảnh vườn um tùm cỏ dại.
“Mình đã cải thiện nó, để có một ngày, khi mở cửa ra, ngôi nhà đón chúng mình trở về bằng niềm vui của sự sum vầy. Mình đã thay đổi rất nhiều chỗ ở, chưa có ý định dừng lại ở một nơi nào đó quá lâu. Tuy nhiên, căn nhà này lại là nơi mình gắn bó lâu nhất, đến giờ vẫn lưu luyến chưa muốn chuyển đi. Ở đó, mỗi góc nhỏ đều là nơi mình gửi vào những ấm áp yêu thương”.
Một số vật dụng chị Hoa tự đóng cho ngôi nhà của mình:
Ảnh: NVCC