Một phòng khám thuộc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) là nơi tiếp nhận 3 trường hợp trên. Thời điểm vào viện, bác bệnh nhân bị ong đốt khoảng 30 phút, khu vực đốt là đầu, mặt và thân mình, không rõ loại ong.
Đến viện, bệnh nhân vẫn trong cơn khó thở, nhịp thở nhanh, nông; da niêm mạc kém hồng. Thầy thuốc cấp cứu chẩn đoán ban đầu xác định phản vệ mức độ nặng do ong đốt giờ thứ nhất.
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí, tiêm adrenalin 1mg 1/2 ống tiêm bắp ngay lúc vào và sau 5 phút, chống dị ứng, truyền dịch, giảm đau, thở oxy. Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân đỡ khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định dần về bình thường. Các bệnh nhân tiếp tục được chuyển về Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Phản vệ là một tai biến nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, đúng cách. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh, ngay lập tức sau khi bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, ngay khi phát hiện người bị ong đốt, người xung quanh cần:
- Nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị ong đốt nhiều nốt hơn.
- Tuyệt đối không được nặn bóp vết ong đốt vì việc làm này sẽ giải phóng nọc độc của ong.
- Cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hướng dẫn xử trí đúng.
Khi bị ong đốt, người bệnh sẽ đối diện với 3 nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng: sốc phản vệ do nọc độc của ong, biến chứng suy đa tạng do nọc độc của ong (hay gặp nhất là suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu) và nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết đốt của ong (nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván).
Chính vì vậy, khi không may bị ong đốt, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và theo dõi sức khỏe.