Sáng 26/9, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho hay phòng khám tại Sơn Dương (Tuyên Quang) của bệnh viện này vừa cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn do phản vệ nguy kịch sau khi bị ong đốt.

Nam bệnh nhân 50 tuổi, được người nhà đưa vào phòng khám trong tình trạng ngừng tuần hoàn sau khi bị ong đốt 15 phút. Ngừng tuần hoàn (ngừng tim) là tình trạng mất đột ngột các chức năng của tim, khiến tim bất ngờ ngừng đập do rối loạn hoạt động điện của tim. Khi tim ngừng đập sẽ dẫn đến mất tri giác và ngừng thở, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ, điều dưỡng tại phòng cấp cứu nhận định đây là tình trạng phản vệ mức độ rất nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành ép tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn đồng thời tiêm Adrenalin, báo động đỏ toàn phòng khám.

Tiến hành cấp cứu bệnh nhân bị ngừng tim do ong đốt. Ảnh cắt từ clip của bệnh viện. 

Sau ép tim 8 phút và dùng các thuốc vận mạch, chống sốc, bệnh nhân có mạch trở lại. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, duy trì Adrenalin tĩnh mạch. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân đã tạm ổn định và được theo dõi sát.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Từ đầu mùa hè đến nay, các cơ sở y tế trên cả nước liên tiếp tiếp nhận ca bệnh cấp cứu vì ong đốt, nhiều ca trong đó là trẻ em ở tuổi đi học. Nhiều trường hợp bị sốc phản vệ, nguy kịch, thậm chí bị đột quỵ, liệt nửa người. 

Mùa hè thu là mùa phát triển của các loại ong như ong vò vẽ, ong đất, ong mật… do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải,… thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn. Ong xuất hiện và làm tổ ở nhiều nơi như hốc tường, mái hiên, trần nhà, gốc cây, cành cây, bụi rậm, nhà kho. Đây là những nơi gần con người sinh sống, đe doạ đến sức khoẻ và an toàn của mọi người và nó rất nguy hiểm.

Nọc của ong vò vẽ rất độc, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng… Nếu không xử trí kịp thời rất dễ tử vong.

Những trường hợp bị ong đốt 1 – 2 nốt có thể bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Trường hợp bị ong vò vẽ đốt từ 5 – 10 đốt trở lên và kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều… cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để cấp cứu kịp thời.

Nhiều trường hợp bị ong đốt, đặc biệt với trẻ nhỏ, do bố mẹ các bé không biết đến sự có mặt của tổ ong ngay trong vườn nhà trước đó, nên không có sự đề phòng. Do đó bác sĩ khuyên các gia đình thường xuyên vệ sinh và phát quang bụi rậm quanh nhà.

Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm và phá bỏ tổ ong, nếu ở nơi đông người và nơi có nhiều người qua lại hoặc trong hộ gia đình hay khu dân cư, nên phá ngay khi tổ ong mới xây, các bác sĩ khuyên.