Giảm thiểu cơ chế “xin - cho”

Cụ thể, thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản. Cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giảm sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan Nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, giảm thiểu cơ chế “xin - cho” trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

{keywords}
Bà Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Đại hội XIII.

Việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giảm nhiều đầu mối và giảm đáng kể biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và bộ máy hành chính nhà nước.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Những đổi mới về đánh giá cán bộ, công chức; về tuyển dụng, thi nâng ngạch; thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý được nghiên cứu, triển khai có kết quả. Việc áp dụng những phương pháp quản lý mới, công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử” là kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình tổng thể.

Các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử; đô thị thông minh; tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng.

Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nội vụ cũng lưu ý, công tác cải cách hành chính còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

“Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở”, bà Trà nói.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục lĩnh vực đất đai, xây dựng... Có những thủ tục được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết. Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…

{keywords}
 

Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các vùng phù hợp với thực tiễn đất nước và trình độ phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại; phát triển một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu mạnh, có uy tín trong khu vực và thế giới.

Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục quán triệt chủ trương đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Cùng với đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước.

Trong đó, tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Bà Trà cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính Nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nội vụ cũng đề cập đến việc triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Nội vụ cũng lưu ý việc tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. 

Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì - Phạm Hải

Thành công lớn của cả hệ thống chính trị là chống tham nhũng

Thành công lớn của cả hệ thống chính trị là chống tham nhũng

"Công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường, đẩy mạnh. Có thể nói đây là thành công lớn của cả hệ thống chính trị”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nhìn nhận.