Nhờ khai thác tốt lợi thế chiều dài 305,4km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng ngành thủy sản, tỉnh BR-VT đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Nhiều năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tinh thần chung của Bà Rịa-Vũng Tàu đối với ngành thuỷ sản là: muốn phát triển ổn định và bền vững thế mạnh tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật, đồng thời vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tỉnh đẩy mạnh vận động và hỗ trợ chuyển nghề cho các hộ đang khai thác các nghề sát hại nguồn lợi thủy sản ven bờ và từng bước loại bỏ các phương tiện khai thác ven bờ. 

Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam do Chính phủ ban hành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kịp thời ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hiện tại, Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản là khoảng 16.153 ha. Sản lượng nuôi thương phẩm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm. Với hơn 50 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... kim ngạch hàng năm đạt khoảng 342 triệu USD.

taudanhca.png

Tỉnh từng bước khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng khai thác xa bờ, phát triển nuôi thâm canh và nâng cao chất lượng chế biến hải sản xuất khẩu. Về khai thác thủy sản, toàn tỉnh hiện có 5.931 tàu, tổng công suất là 971.640 CV (trong đó có 5.887 tàu khai thác thủy sản và 44 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, công suất bình quân 164CV/chiếc tàu cá).

Phần lớn ghe tàu được đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu… Ngoài sự tăng trưởng về số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ, nhiều nghề đánh bắt mới cũng phát triển như nghề câu cá ngừ đại dương, nghề rập ghẹ, rập ốc hương… Hàng năm, lĩnh vực khai thác hải sản giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30 ngàn lao động. Sản lượng khai thác năm 2013 là 294.769 tấn.

Trong cơ cấu sản lượng hải sản khai thác, sản lượng hải sản từ đánh bắt xa bờ, có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu được nâng lên, giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp (cá tạp).Giá trị sản xuất thủy sản năm 2013 đạt 13.859 tỷ đồng, tăng 11,5% so năm 2012. Trong đó, giá trị khai thác là 12.657 tỷ đồng, nuôi trồng đạt 1.202 tỷ đồng.

Để phát triển bền vững ngành thuỷ sản, tỉnh sẽ triển khai thực hiện cơ cấu khai thác hải sản vùng lộng và vùng ven bờ, gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó, chú trọng chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU; đồng thời khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản,…

Nguyễn Phong và nhóm PV, BTV