Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định “tiếp tục phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.  Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người”.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra, ngày 26/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 36-KH/UBND, ngày 07/03/2022 thực hiện Chương trình hành động 11-CTr/TU.

Mục tiêu phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, công nghiệp là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh năm 2030; đến năm 2045 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại và là một trong những mô hình phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp (trừ dầu) trong GRDP đạt 60%, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt 70%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và chính quyền về vai trò và tầm quan trọng của chính sách phát triển công nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, tránh tư tưởng cục bộ, lợi nhóm duy ý chí trong tiếp cận và xây dựng chính sách phát triển công nghiệp. Phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển công nghiệp.

Phân bố không gian công nghiệp phù hợp và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Tập trung điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp theo hướng tập trung, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh việc chuyển dịch các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động tác động xấu đến môi trường sang ngành chế biến chế sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2030 tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như đóng tàu, thiết bị công trình phục vụ ngành dầu khí, cảng biển…ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2030 – 2045, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học  sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Đẩy nhanh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hệ thống hóa và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư; chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ tạo chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Triển khai cơ chế chính sách đặc thù và đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.  Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp nhất là ngành chế biến, chế tạo; ưu tiên dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, sách, tiết kiệm, cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp của tỉnh. 

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp. Tổ chức thẩm định chặt chẽ công nghệ của các dự án đầu tư vào tỉnh theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệp; xây dựng và triển khai chính sách khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2026 theo tinh thần đột phá, hướng đến doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trong quá trình phát triển công nghiệp. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; định hướng sản xuất công nghiệp theo hướng xanh – sạch – bền vững; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo. Khẩn trương việc hoàn thành xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2025, các khu công nghiệp phải đạt chuẩn theo mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với chính sách công nghiệp.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sớm đạt được mục tiêu trở thành thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII  đã đề ra.

Phú Mỹ