Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên Công Nghiệp – Bách Khoa – Doanh Nghiệp được tổ chức bởi Trường ĐH Bách Khoa-ĐHQG Tp.HCM, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ về những thách thức và góc tiếp cận mới đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

Ngành công nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP của riêng ngành chế biến chế tạo đã tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, công nghệ thấp, tăngdần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Xếp hạng cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2020 đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

{keywords}
Sản xuất ô tô Kia (ảnh: Băng Dương)

Tuy vậy, theo ông Trương Thanh Hoài, quá trình CNH, HĐH trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu,năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…

Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém,tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, và ít có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.

Thứ ba, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế, khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN4, doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

{keywords}
 Quá trình công nghiệp hoá cần góc tiếp cận mới

Thứ tư, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn,bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.

Một trong những nguyên nhân gây ra các hạn chế nêu trên là do thời gian vừa qua chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 bên Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phương hướng phát triển của mỗi bên.

Chính sách phát triển công nghiệp của Nhà nước thiếu tính khả thi, khó đi vào cuộc sống; công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường chưa thực sự đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, thiếu tính thực tiễn; Doanh nghiệp thiếu định hướng phát triển, tầm nhìn dài hạn, nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi ích trước mắt, ngắn hạn, không lưu tâm đến các mục tiêu, lợi ích quốc gia hay lợi ích dài hạn của chính mình. Nguyên nhân và những hạn chế nêu trên khiến các nguồn lực đầu tư của xã hội chưa đi vào khu vực sản xuất, không tạo ra được giá trị bền vững cho xã hội, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. 

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.

Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025.

Trong giai đoạn Chiến lược tới, CNH, HĐH được đặt trong bối cảnh mới: Trên thế giới, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện phương thức sản xuất trên toàn thế giới.

Ở trong nước, xu hướng thay đổi về cơ cấu dân số với quy mô thị trường năng động 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng và cơ cấu dân số vàng vẫn duy trì trong vòng 20 năm tới; trong khi đó, chi phí lao động và đất đai ngày càng kém cạnh tranh so với các nước mới nổi, cạnh tranh ngay tại sân nhà ngày càng gia tăng do nền kinh tế đã hội nhập sâu với toàn cầu, độ mở nền kinh tế lớn. Bối cảnh mới này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thực hiện CNH, HĐH với một tư duy mới và cách tiếp cận mới.

Thứ nhất, chuyển đổi tư duy phát triển từ phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài sang sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, phục vụ cho nền công nghiệp nước nhà.

Thứ hai,chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.

Thứ ba, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu nhưng cũng phải phù hợp với hiện trạng phát triển và nền tảng công nghiệp trong nước. Như vậy, hướng tiếp cận CNH, HĐH trong giai đoạn tới phải là vừa xây dựng nội lực trong nước về các công nghệ sản xuất nền tảng, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (chủ yếu là công nghệ số) vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp.

Thanh Thuý (ghi)