Nhận định về dịch bệnh Covid-19 diễn biến tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thẳng thắn, đây là biến cố chưa từng có mà người dân phải đương đầu. Ông Lê Ánh Dương chia sẻ:
Ngày 14/5, dịch xuất hiện tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu với ổ dịch phức tạp mang tên Hosiden, chúng tôi đánh giá mức độ nghiêm trọng lên rất nhiều, quá khả năng của tỉnh.
Sau khi xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đã nhờ Quảng Ninh đưa lực lượng tinh nhuệ sang hỗ trợ.
Ngay trong ngày, tỉnh bạn triển khai 200 cán bộ bác sĩ của bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tại Uông Bí sang hỗ trợ. Đây là đội ngũ bác sĩ tuyến đầu tinh nhuệ, kinh qua các đợt chống dịch.
Tiếp đó, Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên… đều cử bác sĩ tình nguyện đến hỗ trợ tỉnh.
Cho đến giờ, tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt. Tới nay, lực lượng chi viện đó vẫn là lực lượng chủ công trong việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Lúc đó, mục đích là làm thế nào để có nhanh nhất nguồn lực dập dịch. Nguồn lực ở đây chính là con người và kinh nghiệm của nhiều địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng chia sẻ với chúng tôi nhiều bài học. Phải đặt lợi ích của cả tỉnh lên trên cái tôi cá nhân, tôi nghĩ và làm như vậy.
Đã có giai đoạn Bắc Giang sẵn sàng công bố phong tỏa toàn tỉnh. Song đấy mới chỉ là gợi ý của một số người. Tuy nhiên, Bắc Giang luôn tự tin, chủ động kiểm soát được dịch bệnh nên không phong tỏa.
Thứ nhất, đánh giá tình hình diễn biến, dịch chỉ bùng phát ở trong KCN và loang ra các khu trọ của công nhân, không có khả năng loang ra cộng đồng. Mình nhìn rõ đường đi của dịch, đã biết nó sẽ ở chỗ nào…
Thứ hai, chúng tôi chống dịch nhưng phải đảm bảo đa mục tiêu. Nếu phong tỏa toàn tỉnh lúc ấy cũng ngang với việc khai tử vùng vải sắp thu hoạch.
Nếu phong tỏa toàn tỉnh lúc ấy cũng ngang với việc khai tử vùng vải sắp thu hoạch. |
Chúng tôi không chỉ có vùng vải 7.000 tỷ, mà còn có 17 triệu con gà đến lứa phải bán, hơn 1 triệu con lợn không thể nuôi mãi trong chuồng; rồi vụ dứa, vụ dưa hấu, rau củ quả…, đặc biệt là vải. Chỉ một quyết định phong tỏa, chắc chắn 7.000 tỷ này sẽ mất, không phải mất hết nhưng sẽ mất cơ bản.
Chúng tôi vẫn bảo vệ được vùng vải an toàn trong dịch bệnh, vùng vải sớm Tân Yên và vùng vải thiều Lục Ngạn. Minh chứng là ngày đến 9/6, tỉnh đã tiêu thụ xong hết 70.000 tấn vải, trong đó có hơn 50.000 tấn vải sớm. Giá vải đầu vụ vẫn tương đương năm 2020 không có dịch bệnh, vẫn đảm bảo 35% xuất khẩu, tiêu thụ trong nước 65%.
Bắc Giang vẫn chống được dịch, vẫn đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Nếu chỉ đặt mục tiêu duy nhất là chống dịch, xem nhẹ các mục tiêu khác, có thể dịch chúng ta sẽ chống được nhanh hơn một chút nhưng hậu quả về KT-XH sẽ kéo dài. Niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền sẽ bị lung lay.
Giai đoạn tổng lực, phục hồi trạng thái an toàn
Đợt tổng tiến công dịch của Bắc Giang đặt thời hạn 14 ngày, sau 21/6 sẽ cơ bản khống chế xong dịch. Đây là một quyết tâm chính trị rất lớn và là mục tiêu không phải dễ dàng. Chúng tôi đưa ra các giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, dịch đã “co” về phía huyện Việt Yên nên sẽ xử lý theo hướng: đối với các khu tập trung đông công nhân ở trọ, sẽ khóa chặt nó vào đấy để không lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiếp đến, sẽ di dời toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực này đến các điểm cách ly tập trung.
Đối với những thôn còn lại không nguy hiểm sẽ dùng phương pháp xét nghiệm quét đi quét lại 2 ngày một lần. Số công nhân đã an toàn thực sự (5-6 lần xét nghiệm âm tính, ở vị trí an toàn, không tiếp xúc với các F0) sẽ được xác nhận đủ điều kiện để đi làm, cách ly trong nơi sản xuất để giảm mật độ công nhân trong khu dân cư.
Như vậy, cứ khoanh dần, từ thôn khoanh về từng ngõ, từng ngõ khoanh về từng nhà… chúng ra đẩy dịch vào cuối tường.
Mũi thứ 2, tầm soát cộng đồng toàn bộ huyện Việt Yên và những khu vực nhạy cảm ở các huyện khác để đảm bảo an toàn, nếu có chúng ta sẽ quét được ngay, không để các đốm dịch bên ngoài.
Mũi thứ 3, tấn công dịch trong khu cách ly tập trung. Hiện cơ bản dịch chỉ còn trong các khu này, chúng tôi sẽ làm một cuộc sàng lọc phân loại.
Mũi thứ 4, tổ chức sản xuất lại trong KCN. Sản xuất phải an toàn, công nhân “sạch” (được nhiều lần sàng lọc, được quản lý chặt chẽ để không giao tiếp xã hội khi đang có dịch, được cách ly trong sản xuất để họ có thu nhập…).
Về an sinh xã hội, chúng tôi sẽ thiết kế lại mô hình nhà trọ mới cho công nhân.
Trước đây, 1 nhà trọ có nhiều công nhân ở các công ty xen lẫn nhau, do chủ nhà ký hợp đồng cho thuê với công nhân. Bây giờ sẽ sắp xếp lại toàn bộ, quản lý các nhà trọ. Chủ nhà trọ sẽ ký với các công ty, từng nhà trọ sẽ thành ký túc xá của mỗi công ty; từng nhà trọ chỉ phục vụ cho một công ty.
Như vậy công ty sẽ quản lý luôn được cả nhà trọ. Điều này giảm áp lực cho chính quyền, gắn trách nhiệm của công ty vào đó.
Ngoài ra, chúng tôi đẩy nhanh tiêm phòng, cơ bản đã tiêm cho các công nhân, đang đề nghị Chính phủ cấp thêm vắc xin để Bắc Giang tiêm tiếp.
Đối với chung toàn tỉnh, nơi nào đã an toàn thì dỡ bỏ giãn cách, phục hồi lại trạng thái an toàn. Riêng 3 huyện trọng điểm Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng thì ngược lại, phải siết chặt quy chế kiểm soát dịch.
Chỉ còn thời gian ngắn, nên những nơi trọng yếu như vậy thực hiện được, sẽ hoàn thành mục tiêu dập dịch.
Tới đây, tôi đang cho triển khai xây dựng các trung tâm thu dung tập trung quy mô 1.800 giường bệnh. Nhiều người sẽ hỏi, tại sao hết dịch lại làm trung tâm chữa bệnh Covid?
Bắc Giang sẽ làm, và làm mạnh hơn, bởi sẽ đưa hết các bệnh nhân về một chỗ để trả lại các trung tâm khám chữa bệnh cho các huyện. Người dân đã “nhịn” khám chữa bệnh trong thời gian dài, bà con cũng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Trung Kiên (ghi)