Tại tỉnh Bắc Giang, nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số và bước đầu đạt một số kết quả nhất định, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của ngành.

Theo đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu một số lĩnh vực chủ lực phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành; Xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; Xây dựng mã số vùng trồng (quy mô từ 10ha trở lên), thực hiện số hóa vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Ngoài ra, xây dựng mã QRcode, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho hợp tác xã, doanh nghiệp; Xây dựng gian hàng không gian ảo lên sàn thương mại điện tử cho hợp tác xã... Cập nhật thông tin lớp cơ sở dữ liệu công trình thủy lợi trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang. Đồng thời ứng dụng phần mềm số hoá quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Ứng dụng công nghệ tưới tự động cho cây trồng trong nhà màng, nhà lưới hay máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; Ứng dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) vào tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ cháy rừng… 

Cùng với đó, xây dựng, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh, ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh. Cung cấp 16 tệp dữ liệu mở thuộc lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang tại địa chỉ http://data.bacgiang.gov.vn để phục vụ các tổ chức, người dân và doanh nghiệp khai thác dữ liệu. 

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 25 lúc 09.11.28.png
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái ở Bắc Giang.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, khu vực trồng trọt nông nghiệp trọng điểm, cập nhật cơ sở dữ liệu vào hệ thống GIS dùng chung của tỉnh; chỉnh lý, xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình đê điều, thuỷ lợi...

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi để từ đó nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Đẩy mạnh và đa dạng hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số; khuyến khích nông dân sử dụng các thiết bị điện tử để thay đổi tập quán sản xuất từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. 

Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên trách về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành sản xuất quy mô lớn. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp, coi đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.