Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Ng­ười cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”. Khi ở Trung Quốc, Ngư­­ời đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1/6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11/3/1951. 

Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... với đa dạng các chủ đề. Những bài viết của Người có văn phong độc đáo, gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận, mến mộ.

Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như: tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành…

Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị. Trong đó, Người chỉ rõ: báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Do đó, mỗi nhà báo khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:  “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Không được tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Đồng thời, phải tuyệt đối tránh các lỗi: viết quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; đưa tin tức hấp tấp, thiếu thận trọng; là lộ bí mật; dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lương Bằng