Tại hội nghị “Khai thác thuỷ sản bền vững, trách nhiệm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” mới đây, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, hướng đi của địa phương là đẩy mạnh khai thác xa bờ nhưng gắn trách nhiệm cho từng tàu cá và phải cam kết không vi phạm IUU.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số tàu cá đã đăng ký là 1.018 chiếc, với tổng công suất gần 209.000 CV (153.637 KW), tổng số lao động là 6.196 người. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên chuyên dùng cho đánh bắt xa bờ là 451 chiếc (chiếm 44,30%). Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm 2023 ước đạt 118.405 tấn.

tau xa bo 1.jpg
Đa phần tàu cá của Bạc Liêu có công suất thấp, ngư dân khai thác không tập trung nên không kiểm soát được vùng biển đánh bắt.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cho rằng, ngành khai thác thủy sản của Bạc Liêu đã và đang đối mặt với khá nhiều bất cập và thách thức như: Chưa có quy hoạch khai thác thủy sản cụ thể cho từng vùng biển theo nhóm nghề nên cơ cấu nghề, vùng khai thác chưa hợp lý; năng lực tàu khai thác còn hạn chế.

Chỉ riêng về năng lực khai thác, đa phần tàu cá của Bạc Liêu có công suất thấp (dù chiều dài tàu đạt tiêu chuẩn), ngư dân khai thác không tập trung nên không kiểm soát được vùng biển đánh bắt; ngư cụ khai thác còn tương đối lạc hậu, chậm đổi mới; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vi phạm IUU hay khai thác sai vùng đôi khi vẫn diễn ra.

Ví dụ về tính liên kết các đội tàu cá, đại diện Sở NN&PTNT Bạc Liêu chỉ rõ, toàn tỉnh Bạc Liêu mới chỉ có 1 Hợp tác xã và 32 Tổ hợp tác khai thác thuỷ sản, tổ tự quản trên biển (với tổng cộng 292 tàu, gần 2.000 lao động tham gia). Nếu xét trên số tàu và số lao động, mô hình các hợp tác xã/ tổ đội khai thác cần được phát triển trong thời gian tới nếu muốn đánh bắt xa bờ.

Đánh giá cao định hướng này, đại diện Cục kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng cho rằng, mô hình hợp tác xã hay tổ đội sản xuất trên biển là cần thiết cho các tàu cá vươn khơi. Mô hình này đảm bảo các ngư dân có thể hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, tìm kiếm cứu nạn cũng như các vấn đề khác.

Trong khi đó, đại diện các Sở NN&PTNT các tỉnh bạn như Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho rằng, Bạc Liêu và các địa phương này nên thành lập chuỗi sản xuất và tạo mối liên kết trong khai thác để có thể phân vùng đánh bắt hiệu quả, tận dụng lợi thế của nhau trong cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá (dịch vụ thu mua, dịch vụ cung cấp nguyên liệu/thực phẩm trên biển…).

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng cầu thị các viện, trường đại học tham gia thảo luận các vấn đề về khai thác thủy sản, định hướng khai thác bền vững, trách nhiệm. Định hướng của Bạc Liêu là quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Trong đó tập trung cho nuôi biển công nghiệp, một trong những mục tiêu được địa phương đang rất quan tâm.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu mong muốn, ngành nuôi biển tới đây của tỉnh sẽ phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; do đó nhờ cậy các trường/ viện đào tạo nhân lực cho địa phương về vấn đề này. Trước khi phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng nói vắn tắt về Quy hoạch tổng thể tỉnh Bạc Liêu, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn phát triển kinh tế biển (gồm năng lượng, thủy sản và du lịch); đồng thời quan tâm vấn đề khai thác thuỷ sản bền vững và chống khai thác IUU.

“Hiện nay công tác quản lý tàu thuyền trên biển rất khó khăn. Để bảo vệ và khai thác thủy sản bền vững cần phải tạo việc làm cho ngư dân có cuộc sống ổn định, muốn vậy phải tạo sinh kế cho ngư dân, chuyển đổi nghề giúp họ có cuộc sống ổn định. Do đó chúng tôi đã giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân và sẽ được triển khai ngay trong năm 2024 tới đây”, ông Liêu Phạm Văn Thiều kết luận.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV