Tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chương trình hành động 04/CTr-TU ngày 20/11/2020 của Tỉnh ủy Bắc Ninh đã đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh phấn đấu 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, có ít nhất 2 huyện và 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); phấn đấu có ít nhất 50 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu.
Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, quan tâm kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, kịp thời chỉ ra khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, đến nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 15,62 tiêu chí/xã, trong đó có 9/70 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 13,5 tiêu chí/xã, trong đó có 4/70 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đơn cử như chưa có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chưa có chính sách về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề thu hút nhiều lao động từ địa phương khác đến lao động, cư trú, do đó kết cấu hạ tầng nông thôn dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các lĩnh vực y tế, trường học, vệ sinh môi trường nông thôn và công tác an ninh trật tự…
Vì vậy, để Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đổi mới và thực hiện hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất với các cấp, ngành một số nhiệm vụ. Đó là cần xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích...
Ban kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách về phân bổ, sử dụng nguồn lực; chỉ đạo, rà soát các quy hoạch mới trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch nông thôn mới; tăng cường chỉ đạo, tập trung vào một số tiêu chí còn chưa bền vững như chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, trường học, tổ chức sản xuất…
Đề nghị các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các phòng ban chuyên môn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt thấp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới nông thôn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn đóng góp của nhân dân. Các sở, ngành chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn và tư vấn cho các xã trong lựa chọn mô hình liên kết sản xuất phù hợp với từng địa phương. Đảng ủy, chính quyền các xã cần có giải pháp trong điều hành, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chương trình…