Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc (xã Đại Lai – huyện Gia Bình – tỉnh Bắc Ninh) được thành lập năm 2022 và hiện có 9 nhà màng, mỗi nhà màng khoảng hơn 1000m2 được đầu tư bằng nguồn vốn tự có và đóng góp của các thành viên. HTX chuyên trồng các loại cây ngắn ngày như dưa chuột baby và ớt chuông xanh, đỏ theo tiêu chuẩn công nghệ cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó không đủ nguồn hàng cho tiêu thụ, và tạo công ăn việc làm cho hơn 12 lao đồng thường xuyên và hơn 10 lao động thời vụ có nguồn thu nhập ổn định. 

HTX Tâm Phúc chỉ là một trong số rất nhiều HTX đang nỗ lực mở ra nhiều hướng đi mới để phát triển thị trường, mang lại đời sống ổn định cho bà con nông dân.

Theo Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, đến tháng 5/2023, tỉnh có 2 Liên hiệp HTX, 699 HTX, trong đó có 555 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 114 HTX phi nông nghiệp; 223 Tổ hợp tác.

anh 2.jpg
Nhiều HTX tạo được thương hiệu của sản phẩm và đảm bảo được lợi ích của các thành viên.

Từ những hoạt động của Liên minh HTX và của các Sở ngành, địa phương, sự nỗ lực của các HTX đã có nhiều HTX phát triển mạnh về kinh tế, tạo được thương hiệu của sản phẩm và đảm bảo được lợi ích của các thành viên cũng như tạo được nhiều công ăn việc làm cho các thành viên cũng như lao động tại các địa phương.

Điển hình có thể kể tới như: HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Đức Lân (huyện Yên Phong), HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình, HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (huyện Gia Bình), HTX kinh doanh sản xuất nông sản Hà Nam (huyện Tiên Du), HTX sản xuất nông sản – thuỷ sản sen vàng tự phát (Thị xã Quế Võ), HTX nuôi trồng thủy sản Minh Tiến, HTX đồ gỗ mỹ nghệ Minh Trưởng (Huyện Lương Tài), HTX Quang Tiến (Thị xã Thuận Thành), Xí nghiệp cổ phần Việt Long (Thành phố Bắc Ninh), HTX đồ gỗ Mỹ nghệ Hiệp Thắng (Thành phố Từ Sơn).

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều. Số lượng HTX tăng nhanh nhưng số lượng thành viên lại giảm khiến quy mô HTX ngày càng nhỏ dần, từ đó khó cạnh tranh và khó phát triển theo các chuỗi giá trị bền vững.

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của khu vực kinh tế tập thể, HTX còn yếu, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng nhà xưởng, hạng mục công trình của khu vực này còn rất khó khăn. 

Ngoài ra, tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương còn ít; một tỷ lệ khá lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để giải quyết các khó khăn này, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, HTX. Phấn đấu đến năm 2025, thành lập mới 100 HTX, 100 Tổ hợp tác và 3 Liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hút thêm 1.500 thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp, trong đó tập trung hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ, các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, HTX cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Cùng với đó, xây dựng, vận hành và duy trì Trang tin điện tử về kinh tế tập thể, trong đó có thông tin về thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi - tư vấn pháp luật, chính sách…

Tổ chức kinh tế tập thể, HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc. 

Ngoài ra, các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên. 

Tiến Quang