Bắc Ninh đã trở thành một trong những thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước. Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang xem Bắc Ninh điểm đến hấp dẫn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã xác định, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Định hướng đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Doanh nghiệp linh kiện điện tử tại Bắc Ninh tham gia trong dự án tư vấn cải tiến sản xuất do Samsung tài trợ và thực hiện |
Với mục tiêu lớn này, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu tốc độ phát triển ngành công nghiệp bình quân giai đoạn đạt 7-8%/năm giai đoạn 2020-2025, tỷ trọng ngành công nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu GRDP.
Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, thực hiện phân bố không gian cho Công nghiệp theo quy hoạch tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm về thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Trong đó, các chính sách phải hướng đến thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gia tăng; đẩy mạnh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp; ưu đãi cụ thể cho các khu công nghiệp công nghệ cao và cụm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng dự kiến xây dựng Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Liên quan đến các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển, tỉnh Bắc Ninh chú trọng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, thứ nhất là các ngành chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện, trong đó, ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt Nam, điện thoại di động, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất và xuất khẩu; gia công lắp ráp các chi tiết linh kiện điện tử, cơ khí có thể vào được khu vực nông thôn (thông qua chương trình khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ)
Thứ hai là ngành cơ khí chế tạo máy móc thiết bị và gia công kimloại, trong đó, tập trung các ngành sản xuất khuôn mẫu cho công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp ô tô; xe máy; máy nông nghiệp; máy móc sử dụng trong công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản.
Thứ ba là phát triển nhanh ngành công nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, tạo giá trị lớn và không tốn nhiều tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường như các ngành: Sản xuất phần mềm, công nghiệp chế tạo, chế biến, lắp ráp.
Với các chủ trương trên, tỉnh Bắc Ninh khuyến khích, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tập đoàn kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp; hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng (công nghiệp hỗ trợ) trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Liên quan chiến lược thu hút đầu từ FDI, tỉnh cũng xác định tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nhiều linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ.
Hiện, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ...
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Nhằm phát huy hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI, Bắc Ninh cũng xác định phát triển CNHT là hướng đi mang tính bền vững để tiến nhanh hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2020, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên, cùng với Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp hỗ trợ |
Ngành CNHT của Bắc Ninh đã hình thành các cụm liên kết, nhiều DN trên địa bàn trở thành nhà cung cấp cấp 1, 2, 3 cho DN FDI ngành điện tử và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 400 DN CNHT, chiếm 10,1% số DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có gần 300 DN FDI, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD. Các DN CNHT đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở hạ tầng và chính sách phục vụ phát triển CNHT, tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp Tân chi 2 (huyện Tiên Du) và Cụm công nghiệp Cách Bi (huyện Quế Võ) với tổng diện tích khoảng 122ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, định hướng ngành nghề hoạt động chủ yếu của 2 cụm công nghiệp này là thu hút đầu tư đa ngành, trong đó trọng tâm là CNHT. Đồng thời, ban hành quy chế quản lý kinh phí, phát triển CNHT và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển CNHT trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia vào lĩnh vực CNHT.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ tích cực cho DN nhỏ và vừa, DN vốn trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với DN FDI, sớm trở thành đối tác, đơn vị sản xuất CNHT quan trọng.
Tuy nhiên, để đưa CNHT của Bắc Ninh trở thành điểm sáng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp của địa phương theo hướng hiện đại, bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh cần dành ngân sách thỏa đáng cử các kỹ sư đi đào tạo ở những quốc gia phát triển mạnh về CNHT, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong nước với nhau cũng như giữa DN trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ; tích cực tổ chức hội chợ, triển lãm về sản phẩm, thông qua đó làm cầu nối cho DN trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.
Những giải pháp căn cơ để địa phương này thu hút hiệu quả các nguồn vốn, trong đó có dòng vốn FDI, đó là: Luôn ưu tiên xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các DN FDI đang hoạt động liên tục mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất. Điển hình là Tập đoàn Samsung, sau nhiều lần tăng vốn đã đạt 9,2 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn FDI tại tỉnh.
Mặc dù dịch bệnh trên toàn thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng Bắc Ninh vẫn hướng đến mục tiêu thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp trong năm 2021, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 1,1 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,2 triệu tỷ đồng; thu ngân sách 11.500 tỷ đồng.
Để tạo đà cho tỉnh cũng như cả nước phát triển mạnh mẽ công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho rằng, một số ngành công nghiệp không có văn bản Luật hướng dẫn quy định, dẫn đến khi thực hiện triển khai thông qua các Nghị quyết, chích sách, Nghị định, Thông tư (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, Cụm công nghiệp …) sẽ không đạt hiệu quả.
Do đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc Hội ban hành Luật.
Chi Bảo