Trong cuộc phỏng vấn trên Sky News, bác sĩ Alan Courtney đã không kìm được nước mắt khi tâm sự về tình hình điều trị Covid-19 tại bệnh viện của anh ở London (Anh). Anh tiết lộ, các nhân viên y tế chiếm một nửa số bệnh nhân nằm trong Khu Chăm sóc Tích cực.
“Thực sự không có bất cứ thứ gì buồn bã hơn khi phải điều trị cho đồng nghiệp. Tôi không hề mong chờ điều đó”, anh Courtney kể.
Bác sĩ Courtney phải chữa trị cho chính những đồng nghiệp của mình
Ngày 13/4, nước Anh đã có ít nhất 35 nhân viên y tế chết khi đang ở tuyến đầu chống dịch. Hiện chưa có thông tin liệu bao nhiêu người nhiễm virus nCoV do thiếu đồ bảo hộ.
Tuy nhiên, bác sĩ Courtney cho rằng, việc thiếu các trang thiết bị bảo hộ trong đại dịch Covid-19 đã đặt các y bác sĩ vào những tình huống mạo hiểm.
“Mọi người giận dữ vì sao điều này lại xảy ra với họ - có bất cứ cách nào để tránh được chuyện đó không? Liệu có thể thêm các trang thiết bị bảo hộ, thêm khẩu trang, thêm găng tay, thêm áo bảo hộ?”, bác sĩ Courtney nói.
Ở một số nơi, các y bác sĩ phải sử dụng túi rác bao bọc quanh cơ thể để bảo đảm sức khỏe cho bản thân.
Chính phủ Anh đang phải chịu áp lực nặng nề cần cung cấp đủ đồ bảo hộ tới các nhân viên tham gia chống dịch Covid-19.
Bác sĩ Courtney lên tiếng trên truyền hình về tình trạng thiếu đồ bảo hộ y tế
Khi cuộc khủng hoảng đồ bảo hộ tiếp tục diễn ra, bác sĩ Courtney lo ngại “một vài” đồng nghiệp của anh sẽ ra đi vì con virus chết người. “Điều đó sẽ xảy ra nhưng tôi không nghĩ tôi sẵn sàng đón nhận nó”, bác sĩ Courtney buồn bã nói.
Vị bác sĩ trẻ cũng tâm sự về việc chữa trị cho trẻ nhỏ mắc Covid-19 đang bị nguy kịch: “Bố mẹ các em không được vào thăm con. Họ không thể dự đám tang bởi bản thân họ cũng đang phải tự cách ly”.
Trước đó, một cậu bé 13 tuổi đã ra đi lặng lẽ khi không có gia đình ở bên cạnh. Người thân của em không thể nói lời từ biệt hay nhìn mặt con lần cuối.
An Yên (Theo Sky News)
Lá thư làm thay đổi quyết định khắc nghiệt với người sắp mất vì Covid-19
Bệnh viện ở London (Anh) từng không cho phép người nhà vào thăm bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm. Nhưng một lá thư ngắn gọn của nữ y tá giấu tên đã thay đổi mọi chuyện.