Sau 2 ngày đi du lịch cùng gia đình, con trai chị Lê Hà (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) có biểu hiện đau bụng. Lo lắng vì thấy con đi ngoài 4 lần trong buổi sáng, chị Hà vội vàng đi mua thuốc cầm tiêu chảy cho con. Cũng giống như người mẹ này, nhiều phụ huynh khi thấy con gặp phải tình trạng này, sợ trẻ bị mất nước, mệt lả đã vội tìm cách cầm tiêu chảy cho trẻ.
Về vấn đề này, BS Trần Đồng, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cho hay tiêu chảy ở trẻ em đa phần do nhiễm trùng đường ruột. Đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ thải trừ vi trùng, chất độc ở đường ruột.
Trong khi đó, các thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài trong khi trẻ vẫn mắc bệnh. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do nhiễm trùng, nhiễm độc.
Theo BS Trần Đồng, trẻ bị tiêu chảy cần được theo dõi chặt chẽ số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng ăn uống... của bé để có thể kịp thời điều trị. Tình huống nguy hiểm nhất trẻ có thể gặp phải khi bị tiêu chay là mất nước và muối. Trẻ có thể tử vong nếu bị mất nước nặng mà không được bù nước điện giải kịp thời.
Để tránh gặp phải tình trạng này, cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, nước khoáng, nước dừa tươi... Lưu ý, nếu sử dụng dung dịch oresol, cha mẹ cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ bị tiêu chảy càng cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn.
Trong trường hợp trẻ không ăn được nhiều do mệt vì mất nước, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và lựa chọn các món lỏng, mềm. Nếu trẻ nôn, cha mẹ có thể cho con ăn lại sau khoảng 30 phút.
Nếu trẻ sốt cao, kèm quấy, khó chịu nhiều... cần được uống thuốc hạ sốt, liều lượng tùy thuộc vào cân nặng. Ngoài ra, trẻ có thể uống men vi sinh giúp tăng cường miễn dịch của hệ tiêu hóa đường ruột, thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, từ đó rút ngắn thời gian bệnh. Đồng thời, phụ huynh có thể kết hợp bổ sung kẽm cho trẻ giúp trẻ ăn ngon hơn và ngăn chặn nguy cơ suy dinh dưỡng do tiêu chảy cấp.
Bác sĩ lưu ý thêm chỉ sử dụng kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn gây ra. Để xác định tình trạng này, trẻ cần phải được bác sĩ khám hoặc xét nghiệm phân, không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có kết luận chính xác.
Lưu ý, đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế nếu sau 3 ngày không đỡ hoặc có một trong các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần hơn, phân nhiều nước, nôn liên tục, khát nhiều, khóc không thấy nước mắt, mắt hõm sâu, tiểu tiện ít, ăn hoặc uống kém, sốt hoặc có máu trong phân.
Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm để tránh phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không ăn các loại thịt sống, thịt chưa chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn; rửa tay trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn; uống nước chín; vệ sinh kỹ dụng cụ ăn của trẻ.
Trong thời gian cho con bú, mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt. Ngoài ra, nên cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus - nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến hàng đầu hiện nay.