- Chồng chéo trong quản lý, cơ chế chưa rõ ràng, quyền hạn bác sĩ gia đình bị hạn chế dẫn tới ảnh hưởng lợi ích bệnh nhân là các vấn đề mô hình bác sĩ gia đình sau 2 năm hoạt động thí điểm đang gặp phải.

Nhiều rối rắm, bất cập

Ngày 4/8, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, là người thầy thuốc gần dân nhất.

Bác sĩ gia đình hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.

Nhưng trên thực tế, nhiều người dân vẫn hiểu chưa đúng về bác sĩ gia đình và cứ nghĩ bác sĩ gia đình nhất thiết phải tới tận nhà khám, chữa bệnh cho họ.

{keywords}
Mô hình bác sĩ gia đình còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao  

Tại Việt Nam, năm 2000 Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I y học gia đình.

Sau đó, hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu tổ chức tại một số thành phố lớn. Tuy nhiên, mô hình hoạt động bác sĩ gia đình tại nước ta còn mới, chưa được quan tâm và đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao.

Bộ trưởng Y tế đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại sau khi mô hình bác sĩ gia đình được triển khai thí điểm: một số bệnh viện quận huyện, trung tâm y tế có bác sĩ gia đình nhưng vai trò mờ nhạt do bác sĩ gia đình còn kiêm nhiệm quá nhiều việc, ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế (quản lý bệnh án điện tử chưa toàn diện, mỗi nơi một kiểu), chưa kết nối được với bệnh viện các tuyến nên chuyển viện cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn…

Bộ trưởng Y tế nói: “Phòng khám bác sĩ gia đình không thể chỉ mỗi khám bệnh mà còn cần cả xét nghiệm. Thế nhưng chẳng nhẽ lại sắm thêm cho mỗi trạm y tế một máy làm xét nghiệm thì quá lãng phí. Ta cần học tập mô hình bác sĩ gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi buổi sáng họ có xe đi thu sinh bệnh phẩm rồi đem về một trung tâm làm đầu mối xét nghiệm”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh việc chưa ứng dụng được công nghệ thông tin vào mạng lưới bác sĩ gia đình là một trở ngại, hạn chế sự kết nối giữa các bác sĩ gia đình với nhau và với các tuyến y tế khác, cũng như công tác quản lý thông tin, bệnh án bệnh nhân.

Trong khi đó, theo PGS – TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mạng lưới bác sĩ gia đình hiện nay cũng chưa triển khai được ở phòng khám tư nhân, mặc dù nếu khai thác được mô hình bác sĩ gia đình ở các phòng khám này sẽ góp phần lớn về giảm tải cho những bệnh viện tuyến trên.

“Phòng khám tư nhân thu từ 100 – 200 ngàn đồng/lần khám bệnh, nhưng bảo hiểm y tế lại chỉ cho trả có 20 ngàn đồng. Vì thế, nếu mở bác sĩ gia đình tại phòng khám tư với cơ chế như vậy sẽ như đi câu, bệnh nhân lúc có lúc không”, TS Khuê nói.

Bảo hiểm y tế cũng là một trắc trở khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Bảo hiểm y tế đồng ý thanh toán cho bệnh nhân thì ai là người ký, ai là người kiểm tra, trong khi mỗi phòng khám có mỗi một bác sĩ? Chẳng nhẽ lại đẻ ra thêm bộ phận hành chính để phục vụ việc này?

Đặc biệt, trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay, bác sĩ có quyền tự do lựa chọn công việc, họ sẽ theo xu thế chọn làm bác sĩ nha khoa, thẩm mỹ, ngoại khoa vì thu nhập cao, ít người chọn làm bác sĩ gia đình đi khám bệnh ở cơ sở ban đầu, vừa vất vả, vừa ít tiền. Toàn quốc mới đào tạo được hơn 700 bác sĩ gia đình nên nhân lực còn quá mỏng.

Đưa bác sĩ tên tuổi xuống khám để tạo niềm tin

Tuy nhiên, trong buổi hội nghị, Bộ Y tế đánh giá cao cách quản lý, tổ chức, đào tạo bác sĩ gia đình của Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng cần nhân rộng.

{keywords}
Sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền.

PGS – TS Phạm Lê An – Trưởng Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình (Đại học Y dược TP.HCM) cho biết đơn vị mình cầm tay chỉ việc cho phòng khám gia đình ở một số bệnh viện tuyến cơ sở, đặc biệt là Bệnh viện quận 2, thực hiện đề án 1816 (đưa bác sĩ xuống chuyển giao kỹ thuật) cho tới khi nào phòng khám hoạt động ổn định mới rút người đi nơi khác.

Nhờ thương hiệu của giáo sư, bác sĩ tên tuổi xuống khám chữa bệnh cố định tại phòng khám gia đình tuyến cơ sở nên bệnh nhân tin tưởng tới khám.

“Từ năm 2013 chúng tôi đã quản lý hơn 121 ngàn lượt bệnh, hiện đang quản lý 139 hộ gia đình với tổng số 282 người. Chúng tôi quản lý theo vòng đời từ trẻ đến già, nhận thấy số bệnh nhân quay trở lại khám trên 10 lần ngày càng nhiều”, TS An chia sẻ.

Không chỉ thế, mạng lưới bác sĩ gia đình được Đại học Y dược triển khai bằng bệnh án điện tử và bệnh án giấy, ứng dụng được công nghệ thông tin cao. Các bác sĩ gia đình có thể hỗ trợ nhau trực tuyến và khi cần chuyển tuyến bệnh nhân cũng sẽ thực hiện trên mạng.

Thống kê từ Sở Y tế TP.HCM, hiện nay 20/23 quận/huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh do bác sĩ được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách.

Hiện nay, khó khăn chủ yếu tập trung tại phòng khám gia đình trong các trạm y tế do năng lực khám chữa bệnh của trạm y tế phường/xã chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế…

Ngoài ra, khi triển khai mô hình này trong hệ thống y tế tư nhân, việc cấp chứng chỉ hành nghề đòi hỏi bác sĩ phải có văn bằng chuyên ngành y học gia đình nên nhiều bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa khác không muốn đào tạo lại.

Thanh Huyền