Lời tòa soạn

Không chỉ đào tạo tiêm filler, botox, theo bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ, một số cơ sở còn nhận đào tạo những thủ thuật khó hơn như căng chỉ, nâng mũi, hút mỡ, thậm chí là làm đẹp vùng kín. Bất chấp nguy hiểm đối với khách hàng, những "lò đào tạo" này vẫn cho ra đời hàng loạt bác sĩ mạo danh đang lộng hành trên thị trường làm đẹp.

VietNamNet xin đăng tuyến bài phản ánh Tràn lan trung tâm đào tạo chuyên gia thẩm mỹ để phản ánh thực trạng này.

Kỳ 1: Tràn lan đào tạo chuyên gia thẩm mỹ: Học dễ nhưng chỉ được làm chui

Kỳ 2: Chỉ học cắt tỉa đùi gà, 'hô biến' thành bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ

Tình trạng dịch vụ đào tạo thẩm mỹ không xấm lấn tràn lan khiến các bác sĩ chính quy rất bức xúc. Bởi khi cơ quan chức năng thanh tra, xử phạt, những cơ sở này sẵn sàng "dẹp cũ, đổi mới" rất nhanh. Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ hằng ngày đều phải tiếp nhận các bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp tại spa, tiệm cắt tóc, làm móng.

Khi nhiều người chấp nhận trở thành "chuột bạch"

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình, thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, chia sẻ trong quá trình làm việc, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng khi làm đẹp, điển hình là tiêm filler từ các cơ sở không phép, những “tay ngang”. Hình thái, đặc điểm tổn thương từ những ca tai biến này rất đa dạng, thường là tắc mạch gây hoại tử nhiễm trùng vùng da tiêm. Nhiều trường hợp tiêm filler vùng mũi bị tắc động mạch mắt, gây mù mắt, mất thị lực. 

Nhiều trường hợp bác sĩ vừa cấp cứu vừa cảm thấy “bức xúc” khi bệnh nhân chấp nhận trở thành “chuột bạch”cho các cơ sở làm đẹp trái phép. Bác sĩ Linh cho biết có bệnh nhân hoại tử, rỉ dịch ở thái dương chỉ vì đến một spa làm mẫu cho học viên họ tiêm chất làm đầy để có mặt baby.

Trước thực trạng này, bác sĩ Linh lo ngại có thể vì lợi nhuận, những cơ sở thẩm mỹ này không sử dụng đúng loại filler đã tư vấn cho khách mà thay vào đó là những chất rẻ tiền, bị cấm sử dụng như silicon hoặc parafin, gây ra những biến chứng khủng khiếp với người bệnh. 

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Duy Linh trao đổi với VietNamNet. Ảnh: P.T

Tương tự, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết khoa cũng thường xuyên tiếp nhận các ca biến chứng do tiêm chất làm đầy. Các trường hợp này chủ yếu do người thực hiện thủ thuật tiêm sai kỹ thuật, chất lượng filler không bảo đảm nên gây ra biến chứng.

Bệnh nhân gặp biến chứng nhẹ thường có các biểu hiện như sưng nề, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân biến chứng của chất làm đầy đặc biệt là tiêm ở các spa, cơ sở làm tóc, gội đầu thậm chí tiêm dạo.

Bác sĩ Hà cho biết hầu như tuần nào ông cùng các đồng nghiệp cũng tiếp nhận ca bệnh gặp tai biến do làm đẹp. Mấy năm trước, nạn nhân chủ yếu là những người trẻ, còn gần đây là phụ nữ trung niên khoảng trên 45 tuổi. Với mong muốn làm đẹp nên khi thấy các bài quảng cáo trên mạng xã hội của các cơ sở thẩm mỹ “chui”, họ đã tìm đến và đều xảy ra biến chứng. Người thực hiện tại các cơ sở này là các học viên tự dạy nhau, tự học. Thậm chí, vừa học, họ đã mua filler về tự tiêm cho nhau.

Đơn vị nào được phép đào tạo phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp?

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết theo quy định chỉ một vài trường đại học y, các bệnh viện chuyên khoa mới được cấp phép để đào tạo tiêm filler hay các thủ thuật cắt mí mắt. Người được học là các bác sĩ đã tốt nghiệp các trường đại học y, điều dưỡng, y tá cũng không thuộc diện này.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung chia sẻ về quy trình đào tạo chuyên ngành thẩm mỹ. Ảnh: BSCC. 

Một bác sĩ có thể thực hành làm trên khách hàng thẩm mỹ nhanh nhất là 9 năm (trường hợp bác sĩ nội trú). Nếu không thi được nội trú, bác sĩ đó sẽ mất từ 10-13 năm để học thạc sĩ hoặc chuyên khoa 1. Sau khi đi làm, muốn mở cơ sở có thể tiêm chất làm đầy, thủ thuật cắt mí, họ cần thêm chứng chỉ hành nghề 54 tháng (4,5 năm). Người đào tạo phải là bác sĩ các thầy cô của trường đại học y, các bệnh viện được thẩm định đủ điều kiện đào tạo. 

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đang quảng cáo trên mạng xã hội đều có giá từ từ 20-50 triệu đồng/khóa học. Nguồn lợi nhuận lớn nên họ tìm học viên và tuyển mẫu để thực hành ngay tại các trung tâm. Bác sĩ Dung cho biết phòng học, thực hành này không đảm bảo quy định của Bộ Y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như người thực hiện trên mẫu khách hàng.

Hiện nay, các spa đang là các cơ sở kinh doanh không do ngành y tế quản lý. Họ được cấp phép chăm sóc da bằng các biện pháp thông thường, sử dụng mỹ phẩm. Khi kinh doanh, họ làm chui các dịch vụ tiêm filler, botox, meso, căng chỉ. 

Thực tế, nhiều bác sĩ học chuyên ngành thẩm mỹ khi ra trường đã nhận xét rằng: “Bác sĩ học 10 năm không đua được một thợ cắt tóc đi học nghề 3 tháng”. Đa phần bệnh nhân biến chứng tìm tới "cầu cứu" bác sĩ đều có chung mẫu số làm đẹp ở spa, tiệm cắt tóc và đều được “quảng cáo” với nhiều chứng chỉ đào tạo, bằng cấp hoàn thành các khóa học làm đẹp cao cấp. Đây đều là các loại bằng cơ sở tự trao cho nhau, không qua bất kỳ trường đại học y nào. 

Về việc các cơ sở đào tạo còn quảng cáo họ liên kết với các trường cao đẳng y tế hay trung cấp y tế cấp chứng chỉ, cấp bằng cho học viên, bác sĩ Dung cho rằng các đơn vị này không thể cấp chứng chỉ hay bằng cấp cho học viên để hành nghề tiêm truyền trên khác hàng.