Tại chương trình trao tặng thiết bị y tế cho 10 bệnh viện tuyến huyện diễn ra tại trường Đại học Y Hà Nội ngày 2/6, nhiều chuyên gia chia sẻ nhờ được đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, các thầy thuốc tuyến tỉnh trưởng thành rất nhanh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để công nghệ tốt có thể ứng dụng ngay tại tuyến huyện để bà con đỡ phải đi lại xa xôi.

"Bác sĩ chúng tôi rất xót xa, trăn trở khi chứng kiến bà con lặn lội 500-700km đến bệnh viện ở Hà Nội chỉ để soi dạ dày, hoặc vì lo lắng 'hình như có khối gì đó trong gan', hóa ra là nang nước bình thường", Giáo sư Đào Văn Long, giảng viên bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ.

Để phát hiện sớm ung thư ngay tại y tế cơ sở, theo PGS.TS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc trang bị các thiết bị tốt, đào tạo nhân lực siêu âm có trình độ và kinh nghiệm rất quan trọng. Người bệnh thường tìm đến bệnh viện tuyến huyện để khám ban đầu. Vì thế, nếu nâng cao năng lực y tế cơ sở trong siêu âm, chẩn đoán sớm ung thư, sẽ giảm thiểu gánh nặng cho tuyến trên.

Lấy ví dụ về bệnh ung thư gan, loại bệnh lý ác tính hàng đầu ở nước ta, bác sĩ Hằng cho biết thiết bị siêu âm có độ phân giải tốt sẽ giúp các bác sĩ phát hiện được các tổn thương nhỏ, sẽ cứu sống bệnh nhân. Cụ thể, nếu gan có duy nhất một tổn thương dưới 2 cm, đó là biểu hiện giai đoạn rất sớm của ung thư gan. Nếu được phát hiện ở giai đoạn này, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân là hơn 90%. 

"Trong khi đó nếu bỏ sót, khi bệnh nhân phát hiện muộn, nhiều khối u trong gan hoặc khối u có kích thước lớn, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư gan kém đi nhiều, hiệu quả can thiệp rất hạn chế", bác sĩ Hằng chia sẻ với VietNamNet.

Theo các nghiên cứu lớn tiến hành ở cả miền Bắc và Nam gần đây cho thấy có tới 60-70% bệnh nhân ung thư gan phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trung bình và muộn.  

10 bệnh viện tuyến huyện trên cả nước được trao tặng 10 hệ thống máy siêu âm trị giá 1 triệu USD. Ảnh: HM

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam thường xuyên có hơn 340.000 người sống chung với ung thư trên toàn quốc, hơn 122.000 người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Ông nhấn mạnh sàng lọc, phát hiện sớm ung thư rất quan trọng.  

Vì thế, việc Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật phối hợp với các tổ chức, đơn vị trao tặng 10 hệ thống máy siêu âm thế hệ mới cùng 10 bộ máy tính, máy in; khóa đào tạo kiến thức chuyên sâu 3 tháng về siêu âm tổng quát và siêu âm đàn hồi mô... cho 10 bệnh viện tuyến huyện khắp cả nước, là sự hỗ trợ thiết thực.

Điều này giúp nâng cao năng lực của y tế tuyến huyện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân vùng khó khăn.