Trong số những bệnh nhân tiếp xúc hằng ngày, các bác sĩ phải đối mặt cả với những tội phạm, thậm chí có người đang bị truy nã. Tuyến bài "Khi bác sĩ điều trị cho tội phạm" là câu chuyện từ những bác sĩ nước ngoài khi phải đối diện với những bệnh nhân đặc biệt và cách xử trí khi đối mặt với tình huống này.
Trong lời thề Hippocrates của các bác sĩ có câu: “Tôi sẽ tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết lộ các vấn đề của họ”. Đó cũng là phần quan trọng và nguyên tắc cốt lõi trong đạo đức y khoa. Những gì xảy ra trong phòng khám của bác sĩ sẽ mãi mãi ở trong đó.
Ràng buộc trên có lợi cho bệnh nhân giúp họ cảm thấy thoải mái khi nói sự thật về tình trạng của mình để phục vụ quá trình điều trị. Công chúng cũng có thể thu được lợi ích, chẳng hạn khi một người tiết lộ mắc bệnh truyền nhiễm giúp ngăn chặn dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ cần có ứng xử linh hoạt khi điều trị cho tội phạm chưa bị phát giác. Thông thường sẽ có hai trường hợp xảy ra: bệnh nhân thú tội hoặc bị bác sĩ vô tình phát hiện.
Nan giải khi bệnh nhân thú nhận tội ác
Một người phụ nữ 60 tuổi cố tự tử bằng cách dùng thuốc quá liều. Khi gặp bác sĩ tâm thần tại trung tâm ứng phó khủng hoảng ở Philadelphia (Mỹ), nữ bệnh nhân thú nhận đã giết 2 người và chôn xác của họ ở phía sân sau nhà mình. Bà ta cung cấp chi tiết thông tin nạn nhân và nơi chôn.
Tiến sĩ người Mỹ Meghan Musselman cho rằng luật pháp và đạo đức y khoa chưa đưa ra giải pháp rõ ràng bác sĩ có nên báo cáo về những chia sẻ của bệnh nhân trên không. Theo Medscape, vị tiến sĩ cho rằng vụ việc trên nằm trong vùng xám: "Nếu ai đó đe dọa sẽ làm hại người khác, hầu hết các bang đều có luật lệ về cách ứng xử. Tuy nhiên, luật lệ tương tự không áp dụng khi việc phạm tội đã xảy ra”.
Khi đó, các bác sĩ phải cân nhắc đến luật pháp đồng thời cả đạo đức y khoa, tính bảo mật và lợi ích chung. Tiến sĩ Musselman khuyên các đồng nghiệp nên tìm đến luật sư để được tư vấn: "Có một câu nói trong ngành tâm thần học pháp y: Đừng bao giờ lo lắng một mình".
Ngoài ra, các bác sĩ cần xem xét độ tin cậy trong lời thú nhận của bệnh nhân: "Liệu đó có phải là ảo tưởng không? Bệnh nhân có sẵn sàng liên hệ với cảnh sát và thừa nhận tội ác hay ủy quyền cho bác sĩ làm như vậy?”.
Theo chuyên gia luật/đạo đức y khoa Paul S. Appelbaum, chỉ trong trường hợp lời thú nhận có cơ sở, mối đe dọa đang diễn ra và bệnh nhân không muốn tự mình liên hệ với cảnh sát, bác sĩ tâm thần mới nên cân nhắc nghiêm túc việc vi phạm tính bảo mật để tố giác tội phạm.
Bác sĩ phát hiện tội phạm nhờ khác biệt trên má
Sau khi giết một cô gái Anh tại căn hộ ở Tokyo (Nhật) vào tháng 3/2007, Tatsuya Ichihashi đã bỏ trốn trong hơn 2 năm. Anh ta tự cắt môi dưới, sử dụng kim chỉ để thu hẹp mũi nhằm che giấu danh tính.
Ichihashi, khi đó 32 tuổi, đã cẩn thận tránh các vị trí dễ lọt vào camera tại các cửa hàng, né ánh mắt của mọi người và thường xuyên đeo khẩu trang. Anh ta không bao giờ liên lạc với gia đình, bạn bè và thường xuyên thay đổi nơi trú ẩn.
Theo NBC, cảnh sát treo giải thưởng hơn 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ Ichihashi. Khi nhìn thấy tấm áp phích truy nã của mình ở đồn cảnh sát, anh ta moi nốt ruồi trên má trái - điểm nổi bật trong bức ảnh.
Tiết kiệm được hơn 10.000 USD từ công việc xây dựng, anh ta chi phần lớn số tiền cho 2 ca phẫu thuật thẩm mỹ, lần đầu để có chiếc mũi dài và hẹp hơn, lần thứ hai nâng sống mũi.
Tại bệnh viện thứ 2, Ichihashi đã bị lộ chân tướng. Nhân viên y tế nhận thấy má trái của anh ta trông có vẻ lạ do dấu vết của việc tự nạo nốt ruồi. Họ đã chụp lại nhiều ảnh của nam bệnh nhân và gửi cho cảnh sát. Gương mặt mới của kẻ sát nhân được đăng tải trên khắp mặt báo Nhật Bản.
Sau này, Ichihashi cho biết đã chết lặng khi thấy tin tức trên tivi về ca phẫu thuật thẩm mỹ của mình. Anh ta lập tức trả phòng khách sạn, cắt tóc, hóa trang thêm ria mép.
Cuối cùng, vào tháng 11/2009, Ichihashi đã bị cảnh sát chặn bắt tại bến phà ở Osaka. Vào năm 2011, hắn bị kết án chung thân. Theo thông tin tới năm 2023, kẻ sát nhân đang thụ án tại nhà tù ở Nagano.