Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) của Tổng Giám đốc Thái Hương vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với lợi nhuận sau thuế tăng gần 7%, lên hơn 228 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 573 tỷ đồng so với mức gần 562 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đây là mức lãi khá khiêm tốn so với quy mô vốn hơn 8.100 tỷ đồng của BacABank.

Tuy nhiên, BacABank ghi nhận nợ xấu ở mức khá thấp, với tổng 3 nhóm nợ cuối chưa tới 542 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng là 0,59%, thấp hơn mức quy định 3%.

Trong kỳ, BacABank ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ, còn 124 nghìn tỷ đồng. Trong khi cho vay tăng từ gần 88,3 nghìn tỷ đồng cuối quý II lên gần 92,5 nghìn tỷ đồng cuối quý III. Tổng tiền gửi của khách hàng tăng từ mức 91,2 nghìn tỷ đồng cuối quý II lên gần 95,7 nghìn tỷ đồng.

Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc BacABank. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trong nhiều năm qua, BacABank không có bứt phá về kết quả kinh doanh. Lợi nhuận hàng năm dao động xung quanh 600-750 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu BAB trong gần hai năm qua giảm mạnh, từ mức khoảng 33.000 đồng/cp hồi đầu 2021 xuống mức 14.700 đồng/cp như hiện tại.

Vốn hóa của BacABank bốc hơi khoảng 15 nghìn tỷ, về ngưỡng 14 nghìn tỷ đồng như hiện tại.

Tính tới cuối quý II/2022, bà Thái Hương nắm giữ gần 32,35 triệu cổ phiếu BAB (tương đương 4,295% cổ phần). Tổng số cổ phiếu này trị giá 475 tỷ đồng. Bà Thái Hương không còn nằm trong top 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Thấp nhất để lọt danh sách này cần có 570 tỷ đồng.

Bà Thái Hương giữ chức Tổng Giám đốc BacABank từ năm 2008, từng lọt top 120 người giàu nhất trên sàn chứng khoán sau khi cổ phiếu BAB giao dịch trên UPCoM cuối năm 2017.

BacABank được biết đến là một ngân hàng nhỏ, lợi nhuận thua xa các ngân hàng khác. Việc chi lương thưởng ở ngân hàng này cũng khá chặt chẽ. Bà Thái Hương, với tư cách là CEO và Phó chủ tịch HĐQT, nhưng hưởng lương khá thấp trong nhiều năm, trung bình chỉ một vài chục triệu đồng so với mức hàng trăm triệu đồng của các CEO làm thuê khác trong hệ thống ngân hàng.

BacABank có kết quả không mấy ấn tượng. (Nguồn: BCTC)

Mặc dù nhận mức lương thấp nhưng bà Thái Hương là doanh nhân nổi tiếng nhờ vị thế tại BacABank. Bên cạnh đó, bà còn nổi bật với TH True Milk. Khối tài sản của bà Hương tăng vọt nếu tính thêm tài sản ở doanh nghiệp này.

Trước năm 2015, bà Thái Hương sở hữu gần 7% cổ phần BacABank nhưng tỷ lệ này sau đó đã giảm xuống dưới mức cho phép (5%) nhờ vào việc ngân hàng tăng vốn. Trong báo cáo các năm trước đó, BacABank được biết đến là ngân hàng đầu tư khá nhiều vào TH Milk, giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Việc chuyển niêm yết từ Upcom lên HNX được xem là một bước tiến mới giúp BAB trở nên mình bạch hơn, gần gũi với các nhà đầu tư hơn và có cơ hội phát triển cao hơn trong bối cảnh các ngân hàng khác tăng trưởng vượt bậc trong vài năm gần đây, điển hình như Techcombank, VPBank, MBBank…

Bà Thái Hương nằm trong số các doanh nhân chọn ngân hàng, thay vì ở vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp. Ông Dương Công Minh Himlam, ông Đỗ Minh Phú DOJI, ông Đỗ Quang Hiển T&T,... cũng là những đại gia quyết chọn ngân hàng.

Phần lớn các sếp ngân hàng đều cho rằng họ đã hoàn thành sứ mệnh tại doanh nghiệp.

The quy định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, TGĐ, Phó TGĐ hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.