Vùng biển Bạch Long Vĩ là 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ với diện tích 1.500 hải lý vuông, thuận lợi cho việc phát triển nghề đánh bắt, khai thác hải sản trên biển. Ngoài ra, vùng biển Bạch Long Vĩ có tới gần 400 loài hải sản, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Cá song, cá mú, hải sâm, rong nho, rong loa gai, rong mơ, rong quạt…
Đặc biệt, nơi đây được coi là “thủ phủ” của bào ngư mang giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Bên cạnh đó, Bạch Long Vĩ là khu vực có hệ sinh thái san hô phát triển nhất Vịnh Bắc Bộ với độ che phủ lớn, phong phú, đa dạng sinh học cao, chiếm 47,2% số loài đã được phát hiện ở Việt Nam.
Khu vực quanh đảo Bạch Long Vĩ luôn có hàng trăm tàu thuyền đánh cá với hàng nghìn ngư dân từ các tỉnh ven biển từ Nam Trung bộ trở ra đến khai thác và đánh bắt thủy sản, tạo ra nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 16, nhiệm kì 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ lần thứ 6, nhiệm kì 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, đó là xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, nhiều công trình, dự án quan trọng trên đảo đã được đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, như: Đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vĩ tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên; đầu tư xây dựng Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn I); Xây dựng Trạm cứu hộ động vật hoang dã và sản xuất giống hải sản phục vụ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong khu bảo tồn biển….
Không chỉ có lợi thế để phát triển thuỷ sản, Bạch Long Vĩ còn có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có đồi, có thềm bãi cát biển và bãi tảng, đặc trưng nhất là bãi triều rạn đá quanh đảo rộng, có nơi chiều rộng lên đến 500m. Bên cạnh đó, trên đảo và vùng bờ đảo, vành đai xanh của hệ sinh thái đảo nổi, các hệ sinh thái bãi biển, bãi triều đá cùng với các công trình xây dựng và kiến trúc như hải đăng, điện gió, trạm khí tượng, trạm nghiệm triều, cảng, công viên cây xanh, khu nuôi bào ngư, các công trình văn hóa: nhà bảo tàng, đài tưởng niệm, đền chùa, như chùa Bạch Long, Đền thờ Đức Thánh Trần, Lầu Phật… là những lợi thế để tạo ra tiềm năng du lịch tổng hợp.
Ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: đẩy mạnh phát triển trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với việc tìm kiếm cứu nạn và phát triển du lịch.
Cũng theo ông Đông, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được quy hoạch xây dựng thành trung tâm nghề cá, tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. Với định hướng này, trong nhiều năm qua, huyện tập trung cao cho việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và đã xây dựng cảng cá Tây Nam. Cùng với đó, hiện tại huyện đang xây dựng cảng cá Tây Bắc, sau khi hoàn thiện, 2 cảng cá sẽ đảm bảo nơi neo đậu, tránh trú bão cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường.
Báo cáo của UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, tính đến giữa năm 2021, hoạt động khai thác ven bờ của huyện đảo đạt trên 700 tấn thủy sản; sản lượng khai thác thủy sản trên ngư trường Bạch Long Vỹ ước đạt 40.000 tấn, giá trị ước đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên huyện đảo ước đạt 494,96 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ ước thực hiện 226 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa 50,2 tỷ đồng, đạt 102,45% kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ 17,71%; nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản ước thực hiện 10.56 tỷ đồng, đạt 103,83% kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ 6,13%...
Theo UBND huyện Bạch Long Vĩ, kinh tế huyện đảo có bước phát triển khá theo từng năm, huyện đã từng bước đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác và sơ chế thủy sản gắn với phát triển du lịch.
Với những lợi thế có sẵn, huyện đảo Bạch Long Vĩ sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển để vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại huyện đảo tiền tiêu này.