Phán quyết của tòa án quốc tế lâu nay đã đem lại những hiệu lực gì cho các vụ việc xung đột hàng hải có liên quan tới Trung Quốc? GĐ Viện Luật Mỹ - Châu Á  thuộc ĐH New York (Mỹ) vừa có bài viết phân tích câu chuyện này.

Bài viết nói về sự trợ giúp của thể chế pháp lý quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông, đăng tải trên Diplomat. Mời quý độc giả tham khảo.

Hiệu quả của việc kiện ra quốc tế

Cuối năm 2012,  Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản là ông Koichiro Gemba, đã cho xuất bản một bài bình luận trên tờ International Herald Tribune thách thức Trung Quốc sát hạch các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách xúc tiến vụ kiện chống Nhật Bản tại Tòa án quốc tế.

Ông Gemba nhấn mạnh, Nhật Bản đã bày tỏ niềm tin lớn hơn vào luật pháp quốc tế so với Trung Quốc hay Mỹ, bằng cách chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa án Quốc tế. Điều này cam kết Nhật Bản sẽ chấp nhận sự phân xử của Tòa án Quốc tế đối với bất kỳ khiếu nại nào chống lại họ, của một quốc gia khác cũng công nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa án Quốc tế.

Ông Gemba đặt ra câu hỏi, nếu Trung Quốc tự tin về luận cứ pháp lý của nước này về Senkaku/ Điếu Ngư, tại sao Trung Quốc không khởi kiện Nhật Bản lên Tòa án Quốc tế?

Tuyên bố của ông Gemba dường như hứa hẹn một bước tiến quan trọng hướng tới cái mà các bạn bè ngoại giao của tôi coi như những đề xuất "không thực tế" và "vô ích". Nhật Bản, tất nhiên trước đó từng tìm cách đưa Hàn Quốc tới Tòa Công lý quốc tế vì tranh chấp lâu nay của họ đối với những khối đá được gọi là Dokdo/Takeshima, nhưng Hàn Quốc là nước đang chiếm giữ lãnh thổ tranh chấp, tỏ ra không quan tâm và không có trách nhiệm pháp lý phải chấp nhận việc phân xử.

Điểm thú vị trong bài bình luận của ông Gemba là, Nhật Bản bất chấp thực tế là nước đang chiếm giữ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã đồng ý được đưa đến Tòa án Công lý Quốc tế.

{keywords}

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Bài bình luận của ông cũng đã cung cấp tia hy vọng rằng các quốc gia quanh Trung Quốc có thể nhìn thấy tác dụng của việc  đưa vấn đề ra tòa án pháp lý quốc tế.

Nhiều diễn tiến tích cực đã xuất hiện sau đó.

Vào tháng 1/2013, Philippines thông báo, họ đang bắt đầu nhờ trọng tài phân xử chống lại Trung Quốc theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) về vấn đề Biển Đông, liên quan đến việc diễn giải của UNCLOS.

Không giống như tuyên bố của ông Gemba, vốn nhiều nhất chỉ là một thách thức ngoại giao không chính thức, hành động của Philippines là một thách thức pháp lý chính thức đối với Trung Quốc. Nó hoài nghi sự diễn dịch của Trung Quốc về các quyền của Bắc Kinh theo UNCLOS, bao gồm cả mối quan hệ của UNCLOS với “đường 9 đoạn” khét tiếng mở rộng nhưng mơ hồ của Trung Quốc. Nhờ hành động táo bạo của Philippines, ý tưởng các nước láng giềng của Trung Quốc có thể bảo vệ mình bằng cách áp dụng luật pháp quốc tế trước một tòa án quốc tế không thiên vị đã trở thành hiện thực!

Tôi đã thất vọng, nhưng không ngạc nhiên, về sự khước từ của Trung Quốc đối với việc công nhận thách thức của sự phân xử theo UNCLOS. Các bị đơn trong các vụ phân xử UNCLOS trước đây đã xuất hiện trước tòa quốc tế trong một nỗ lực nhằm bác bỏ vụ kiện chống lại họ, kể cả bằng tuyên bố rằng tòa án thiếu thẩm quyền.

Trung Quốc, đáng buồn thay, đã quyết định là quan tòa trong vụ việc của họ và từ chối trả lời các khiếu kiện của Philippines.

May mắn là các quy định của UNCLOS đã dự đoán khả năng này và cho phép tiếp tục hoàn thành quá trình phân xử của trọng tài ngay cả trong trường hợp vắng mặt bị đơn. Nếu tòa án quyết định họ có thẩm quyền đối với bất kỳ vấn đề nào được đệ trình, Philippines đã chứng minh được vụ việc có liên quan đến các vấn đề như vậy, Trung Quốc sau đó sẽ phải quyết định xem liệu có nên tôn trọng phán quyết của tòa án hay chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Trong trường hợp tòa án công nhận đủ thẩm quyền, hứa hẹn làm rõ một số quy định quan trọng của UNCLOS ví dụ như các tuyên bố lịch sử, có thể được UNCLOS chấp nhận ở mức độ nào? Và những gì làm nên một cuộc sát hạch pháp lý đúng đắn theo Điều 121 của UNCLOS đối với việc phân biệt giữa một "hòn đảo", vốn mang đến một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, với "khối đá" vốn chỉ đơn thuần gắn với một vùng lãnh hải?

Câu trả lời cho những câu hỏi như vậy không chỉ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines mà còn giúp nhiều quốc gia khác, ở châu Á và những nơi khác, đang đau đầu với vấn đề tương tự.

Sáng kiến của Philippines dấy lên hi vọng cho các nước đang gặp rắc rối với cách hành xử thô bạo của Trung Quốc, rằng sẽ có hành động pháp lý tương tự. Nhật Bản là một ứng viên rõ ràng.

Thay vì chỉ dựa vào nền tảng quốc phòng ấn tượng của nó, hiệp ước an ninh với Mỹ và khả năng viện nhờ đến các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như những biện pháp khác để đẩy lùi các tuyên bố của Trung Quốc, chính phủ của ông Abe vẫn giữ lựa chọn thực hiện nước cờ của ông Gemba, không chỉ liên quan đến các rắc rối với Trung Quốc mà còn cả các vấn đề Trung-Nhật theo UNCLOS ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông.

Mỹ sẽ tham gia công ước?

Điều thú vị là vào tháng 4/ 2013, tác giả bài viết đã được các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ rằng, trái với những gì một số quan sát viên châu Á của Mỹ vẫn tin, tuyên bố của ông Gemba không chỉ là sáng kiến của riêng cá nhân ông. Nó không đơn thuần chỉ là cử chỉ quan hệ công chúng của một chính trị gia sắp mãn nhiệm.

Họ quả quyết đây là một đề xuất chính thức đã được xem xét cẩn thận, được các chuyên gia luật trong bộ của ông Gemba soạn thảo theo yêu cầu của ông. Điều này khiến đề nghị của ông Gemba có tầm quan trọng lớn hơn nhiều.

Gần đây, khi được hỏi về vị thế của bài bình luận của ông Gemba, một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản nhấn mạnh, Chính phủ Abe chưa bao giờ bác bỏ quan điểm của ông Gemba. Ông lập luận, điều này có nghĩa là, nó đóng vai trò như chính sách chính thức của chính phủ Nhật Bản. Tại một cuộc gặp công khai tiếp theo của Hội Nhật Bản tại New York, Cựu Ngoại trưởng Nhật Yoriko Kawaguchi đã trả lời một câu hỏi với giọng điệu tương tự.

Ngoài đề xuất Nhật và Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề lãnh thổ trước Tòa án Công lý quốc tế, Nhật còn có một lựa chọn khác ở Hoa Đông liên quan đến Trung Quốc. Nước này có thể tìm kiếm một phán quyết của tòa án UNCLOS về nhiều câu hỏi quan trọng về luật biển, liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Chẳng hạn như theo Điều 121.3 của UNCLOS, các điểm trong tranh cãi nên được coi là "khối đá" chỉ hình thành một vùng lãnh hải phạm vi 12 hải lý hay là "quần đảo" tạo nên một vùng EEZ 200 hải lý dặm và thềm lục địa. Phán quyết đây chỉ đơn thuần là "khối đá" sẽ làm giảm đáng kể tầm quan trọng về kinh tế và thậm chí cả ý nghĩa chính trị của khu vực này đối với bên sở hữu chúng. Đây sẽ là một đóng góp được hoan nghênh đối với quá trình giải quyết.

Nhật Bản cũng có một lựa chọn ở Biển Đông ngoài lựa chọn ở Đông Á. Bất chấp thực tế Nhật Bản không giáp Biển Đông, nước này có một mối quan tâm lớn đến việc bảo vệ tự do hàng hải trong vùng nước này, vốn thiết yếu đối với hoạt động thương mại và an ninh của Nhật Bản, và việc tối đa hóa tiếp cận của Nhật đến các nguồn kinh tế trong khu vực.

Việc vẽ ra "đường chín đoạn" của TQ, bất kể phạm vi chính xác tới mức nào, cũng sẽ mở rộng đáng kể khu vực là vùng EEZ. Và Trung Quốc như được minh họa bằng các cuộc đụng độ với tàu và máy bay do thám Mỹ, đang tuyên bố quyền hạn rộng hơn đối với vùng EEZ của họ. Nhật Bản nên xem xét xúc tiến việc nhờ trọng tài phân xử theo UNCLOS đối với "đường chín đoạn" của Trung Quốc như Philippines đang làm.

Mỹ tất nhiên có lý do để phản đối "đường chín đoạn" vì nước này cũng quan tâm tới tự do hàng hải ở Biển Đông và việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế trong khu vực. Không may, vì vẫn chưa tham gia ký kết UNCLOS, Mỹ bị loại trừ khỏi việc hưởng lợi từ hệ thống giải quyết tranh chấp UNCLOS, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Obama gần đây đã nói với Tổng thống Philippines Aquino rằng Mỹ "ủng hộ quyết định của ông trong việc theo đuổi phân xử bằng trọng tài quốc tế liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông".

Chắc chắn, Mỹ có thể bắt đầu kiện Trung Quốc về điều này trước Tòa Công lý quốc tế, nhưng Trung Quốc không bị bắt buộc chấp nhận phán quyết của tòa án này đối với bất kỳ vụ việc nào, và chính nước Mỹ cũng có hồ sơ không mấy hoàn hảo về việc tuân thủ quyết định của Tòa án Quốc tế.

UNCLOS, không giống như Tòa án Công lý Quốc tế, cung cấp một khả năng thực tế hơn nhưng vẫn còn thiếu chắc chắn về một phán quyết mang tính ràng buộc chống Trung Quốc, nước vẫn quyết tâm kháng cự sự phân xử của trọng tài thuộc bên thứ ba.

Những đụng độ lóe lên gần đây về nơi đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa sẽ cung cấp cho Mỹ đủ động lực chính trị trong nước để thúc đẩy Thượng viện "tư vấn và đồng thuận" giúp Mỹ tham gia UNCLOS.

Tác giả Jerome A. Cohen là Giáo sư, Giám đốc Viện Luật Mỹ - châu Á thuộc Trường Luật, Đại học New York (Mỹ) và ủy viên hỗ trợ cấp cao về châu Á tại tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại.

Quỳnh Anh (Theo The Diplomat)

Kì 2: Khi Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế