Cuối năm 1987, sau rất nhiều lần trục trặc, NXB Khoa học Xã hội mới tiến hành xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do GS Hoàng Phê chủ biên).

Và để việc xuất bản được tốt, NXB quyết định đưa toàn bộ công việc chế bản và in vào miền Nam, vì công nghệ in ở Hà Nội lúc đó chưa mạnh lắm (đã sắp chữ theo công nghệ linotif ở Nhà máy in Tiến Bộ mất 6 tháng rồi đành để lại). Trong khi đó, có một đối tác ở TP.HCM sẵn sàng lo toàn bộ kinh phí cho việc in ấn phát hành cuốn từ điển này (chi phí dự kiến rất lớn, nhất là so với điều kiện bấy giờ).

TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình, với tư cách biên tập viên chính, được điều khẩn cấp vào TP.HCM để đọc morasse. Ông được bố trí ăn ở ngay tại phòng làm việc của Chi nhánh NXB tại TP.HCM. Trước đó, GS Lê Khả Kế cũng đã vào đây để sửa bản in cuốn Từ điển Anh - Việt tái bản do chính ông là tác giả.

Dưới đây là chia sẻ của TS Phạm Văn Tình về "bài học nhập môn" mà ông nhận được từ GS Lê Khả Kế trong quãng thời gian này.

{keywords}
GS Lê Khả Kế (1918-2000)

Những ai làm công việc sửa bản in, mà lại là bản thảo từ điển mới thấy hết sự cực nhọc của nghề này. Thực tình, lúc mới vào, còn chủ quan tưởng bở, lại lần đầu tiên bước chân vào một thành phố xa lạ và hấp dẫn như Sài Gòn (có bao điều từ thời chiến tranh chỉ biết trên báo chí) nên tôi dành khá nhiều thời gian cho việc đi chơi và thăm thú bạn bè...

Có hôm đi về khuya, mệt quá tôi lăn ra ngủ vùi. Nửa đêm thức giấc, tôi giật mình thấy phòng bên của “cụ” Kế vẫn sáng đèn. Thì ra ông vẫn đang miệt mài đọc.

Ban đêm, ông đeo đúp cả hai kính vào để nhìn cho rõ (cổ lúc nào cùng lòng thòng mấy cái dây). Tôi có cảm giác ông làm không ngưng nghỉ, vì ban ngày cũng không một phút nào ông rời bàn làm việc. Cũng đôi lúc, ông vươn vai đứng lên ra ngoài thư giãn một chút cho đỡ mỏi.

Càng về sau, với thời gian một tháng rưỡi ở đây, tôi càng kinh ngạc về sức làm việc bền bỉ của GS Lê Khả Kế. Năm đó, ông đã sang tuổi xấp xỉ bảy mươi. Vậy mà đầu óc ông vẫn rất minh mẫn, xử lí bản thảo tinh tế, đâu ra đấy. Cứ thế, hết ngày này đến ngày khác, mọi việc cứ tuần tự mà tiến. Quả là phi thường.

Theo thường lệ, sáng sáng, cứ tầm 8 giờ là lại có một cô gái ở nhà in đến giao tiếp bản bông mới và nhận lại bản đưa hôm trước. Hôm nào cô ấy cũng mang về một xấp dày bản đã sửa, với những dòng chữ chi chít bằng mực đỏ ở ngoài lề.

GS Lê Khả Kế chữa rất chi li, chỉ dẫn rõ ràng, chính xác và nét chữ của ông mới đẹp làm sao. Nét chữ kiểu Pháp, rắn rỏi, không bay bướm, chững chạc, đều tăm tắp, nom rất thích mắt và điều quan trọng là rất dễ kiểm tra.

Ông am hiểu và sử dụng các kí hiệu quy ước của ngành in để đưa ra các yêu cầu sửa chứ không chỉ dẫn tuỳ tiện.

Lúc đó, tôi rất ngượng về sự thiếu tập trung của mình. Sau này khi bắt tay vào công việc, tôi mới thấm thía hết bài học về sự chểnh mảng cũng như cách hiểu chưa đúng mức về nghiệp vụ của việc sửa morasse, một công việc lâu nay ta cứ nghĩ là đơn giản, chỉ cần chịu khó tỉ mỉ, không cần nhiều lắm đến tri thức chuyên môn (ai làm chả được!). Hoàn toàn không phải thế.

GS Lê Khả Kế có lần nói với tôi là ông bao giờ cũng muốn trực tiếp sửa bản thảo của mình. Người khác sửa là ông không yên tâm.

“Tôi không ngại và rất tự hào nếu ghi tên tôi là người sửa bản in. Chả thế  mà tôi sang tận Pháp năm 1980 để sửa lỗi cuốn Từ điển Pháp - Việt do Tổ chức ACCT in tặng...” - Ông nói với nụ cười hóm hỉnh.

Khi bắt tay vào việc sửa Từ điển Tiếng Việt, tôi càng thấy giá trị của kho kinh nghiệm làm từ điển của GS Lê Khả Kế đắc dụng như thế nào. Cứ tưởng đọc dò đơn giản, ai ngờ khi chuyển sang một bản in thử có bao nhiêu chuyện phải xử lí. Tôi liên tục phải chạy sang hỏi ông và nhờ ông chỉ dẫn.

Mặc dù đang mải mê như vậy, chẳng khi nào ông từ chối hay tỏ ra khó chịu cả.

Thú thật, có nhiều lần vì ngại và cũng vì sĩ diện, tôi tự quyết định một mình, có chỗ hơi nghi ngờ cũng mặc. Có bận, mấy ngày tôi không hỏi ông cái gì. Thấy lạ, GS Lê Khả Kế có lần bỏ bút và hỏi sang phía phòng tôi với nụ cười đôn hậu pha vẻ hài hước: “Thế nào, anh bạn trẻ, không có gì cần anh bạn già này giúp à? Cứ bình tĩnh mà làm, đừng vội. Anh nên nhớ là nếu in sai lần này thì có khi sang thế kỉ sau anh mới có cơ hội sửa chữa đấy...”. Thế là bác cháu lại vui vẻ và tôi lại chẳng còn e ngại gì nữa.

GS Lê Khả Kế rất vui tính, dí dỏm và sống thật giản dị, xuề xoà. Điều duy nhất đặc biệt tôi thấy là phòng ông lúc nào cũng có sẵn một ấm nước chè tươi hãm thật ngon.

{keywords}

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp chung với các tác giả Từ điển Tiếng Việt năm 1987.

Sau đó đúng một năm (1988), cuốn Từ điển này chính thức được công bố (tại NXB Khoa học Xã hội) và trở thành cuốn Từ điển Tường giải tiếng Việt tốt nhất hiện nay (sau hàng chục lần tái bản, có sửa chữa, bổ sung). Ảnh: NVCC

Phải nói là độc giả TP.HCM rất quan tâm tới sách vở, nhất là cuốn Từ điển tiếng Việt (do một tập thể các nhà ngôn ngữ học phía Bắc biên soạn) lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Trước tôi, đã có khoảng ba bốn vị được nhà in nhờ đọc bông lần 1. Đó là những người có trình độ học vấn khá cao, quen tiếp xúc với các loại từ điển xuất bản trước đây. Vì vậy khi đọc, có rất nhiều chỗ họ cảm thấy chưa thoả đáng, ít nhất là theo cách đánh giá của họ. Thế là, khi biết tôi là biên tập viên của cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản cuốn từ điển này, họ liền đến gặp gỡ trao đổi, và thậm chí đề nghị sửa lại bản thảo. Chẳng hạn như định nghĩa các từ của phương ngữ Nam Bộ, như xà lỏn, quá giang, nhậu nhẹt..., hay các từ nhập ngoại, như almanach, catalog, quota... mà theo họ là chưa chính xác. Hoặc họ góp ý khá nhiều về kĩ thuật như in đứng, in nghiêng, chữ đậm nhạt đầu mục từ (đã được chỉ dẫn chi tiết và thống nhất của tập thể tác giả khi biên soạn).

Lúc đó, do trình độ còn hạn chế, lại thiếu kinh nghiệm xử lí những tình huống như vậy, tôi rất lúng túng. Lại sẵn tâm lí muốn “ra oai", mấy lần tôi đã định chiều theo ý họ.

Ngoài Hà Nội, đã nhiều lần tôi thấy biên tập viên “ngứa mắt” sửa “thẳng cánh” cả đoạn bản thảo của tác giả mà chẳng hỏi ý kiến gì. Nếu biết, thì các tác giả chắc cũng thể tất cho qua thôi. Cùng lắm thì cũng nhắc nhở với nhau vài lời (tâm lí người viết nói chung là ngại góp ý với NXB. “Nó” giúp mình in sách, mình làm găng quá là nó bỏ không in nữa thì chết).

Thấy vậy, GS Lê Khả Kế nói ngay với tôi là cần phải hết sức thận trọng, tỉnh táo.

Ông nói: “Nguyên tắc sửa morasse là không được tuỳ tiện thêm bớt bất cứ cái gì, kể cả một dấu phẩy”.

Tôi nói: “Nhưng bác ạ, có nhiều chỗ sai rõ ràng, như chính tả hoặc do đánh máy sai chưa soát hết mình cũng cứ để thế ạ?”.

Ông ngập ngừng một lát rồi quả quyết: “Ừ, sai chắc chắn như vậy thì sửa cũng được. Nhưng đúng ra, phải trung thành tuyệt đối với bản thảo. Các vị trên ta có thẩm quyền chưa có ý kiến, ta không nên can dự vào. Đây, ông có thấy chữ kí kèm lời phê duyệt Chuyển đưa in của ông Hựu (lúc đó là Giám đốc - Tổng biên tập NXB Khoa học Xã hội) ở đầu sách kia sao? Chữ kí ấy là “pháp lệnh” với ta đấy!”.

Kể ra, với tình trạng bản thảo chưa hẳn là chuẩn như bấy giờ, thì những nguyên tắc như vậy khó áp dụng, nếu không nói là máy móc. Nhưng trong tình huống của tôi khi đó, thì ý kiến của GS Lê Khả Kế không khác gì “bảo bối”, giúp tôi tỉnh đầu óc, thoát khỏi tình trạng sa lầy, tiến thoái lưỡng nan và dễ dãi tuỳ tiện... Tôi có lí để từ chối mọi lời đề nghị sửa tuỳ hứng.

Sau này, trong quá trình tiếp tục làm biên tập, bài học này giúp ích cho tôi rất nhiều.

Năm nay (2022), bác Lê Khả Kế mà tôi kính yêu, trân trọng đã ra đi 22 năm rồi, nhưng kí ức tôi vẫn không quên được bài học “nhập môn” rất ý nghĩa về một công việc liên quan tới nghề biên tập, xuất bản, do một vị giáo sư già truyền dạy.

Nghề nào rồi cũng thế, không thầy đố mầy làm nên. GS Lê Khả Kế bỗng trở thành một người thầy thực sự đáng kính mà tôi có vinh dự được học lúc nào không hay.

Trong suốt gần 30 năm (từ 1968 đến 1997), với tư cách là tác giả, đồng tác giả, chủ biên hoặc tổng biên tập, GS Lê Khả Kế đã lần lượt cho ra đời 24 cuốn từ điển, vừa là từ điển song ngữ Anh - Việt, Việt - Anh, Pháp - Việt, Việt - Pháp, Hán - Việt, Nga - Việt, vừa là từ điển thuật ngữ chuyên môn các ngành.

Trong số đó, nhiều cuốn từ điển có khối lượng từ ngữ đồ sộ do một mình ông biên soạn trong nhiều năm mà điển hình là cuốn Từ điển Anh - Việt với 65.000 mục từ.

Các công trình từ điển của GS Lê Khả Kế được xã hội đánh giá rất cao về chất lượng nội dung, khoa học, nghiêm túc, được người dùng trong cả nước tín nhiệm.

Ngoài ra, GS Lê Khả Kế còn tham gia các đề tài nghiên cứu lí luận từ điển học với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Phương Chi ghi theo lời kể của TS Phạm Văn Tình

GS Tạ Quang Bửu và câu nói được con trai mang theo suốt đời quân ngũ

GS Tạ Quang Bửu và câu nói được con trai mang theo suốt đời quân ngũ

Ngày 23/7/2021 là kỷ niệm 111 năm ngày sinh của cố GS Tạ Quang Bửu. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam.

Bài học sâu sắc mà GS Phan Đình Diệu dạy con gái

Bài học sâu sắc mà GS Phan Đình Diệu dạy con gái

Trong ký ức của nhà toán học Phan Thị Hà Dương, chỉ có một lần duy nhất GS Phan Đình Diệu - can thiệp vào việc học văn của con gái: “Bố muốn con hiểu rằng con chỉ nên viết ra những gì mà con thực sự nghĩ là đúng”.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - người của 'đầu tiên' và 'trẻ tuổi nhất'

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - người của 'đầu tiên' và 'trẻ tuổi nhất'

Ngày hôm qua (23.1), nhà khoa học lớn với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tạ thế ở tuổi 84.