LTS: "Màu sắc của bìa sách, cả việc cuốn sách được bọc và nét chữ của bố như chìm vào bìa mang đến cho tôi một cảm giác trân trọng trang nghiêm và mênh mang" - Ấn tượng sâu đậm nhất về người bố - GS. Phan Đình Diệu - nhà toán học và là người đặt nền móng cho ngành Tin học của Việt Nam, trong hồi ức của người con - cũng là một người làm toán - hoá ra lại không phải về toán mà là... văn. Văn chương, và đặc biệt thơ ca, nơi những cảm xúc trái ngược quyện lại hài hòa, nơi điều gần gụi và cái vô cùng ở sát bên nhau, đã hình thành nên con người và gắn kết sâu sắc thêm tình cha con. 

Báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu hồi ức của nhà toán học Phan Thị Hà Dương về người bố đáng kính của mình.

{keywords}
GS. Phan Đình Diệu (1936 – 2018)

Tôi không còn nhớ bài thơ đầu tiên tôi được học là bài nào, có lẽ đó sẽ là một bài từ thời mẫu giáo, hay xa hơn nữa từ thời nhà trẻ, vì tôi, như tất cả bọn trẻ con thời ấy, đều đi nhà trẻ từ ngày một tuổi.

Tôi không còn nhớ lần đầu tiên tôi biết đọc là khi nào, có thể là trước khi đến trường, vì tôi, như tất cả bọn trẻ con muôn đời, thích tập đọc những bảng chỉ đường, những biển hiệu dọc phố.

Nhưng tôi nhớ, chẳng bao giờ tôi có thể quên, bài thơ đầu tiên mà tôi tự cầm sách đọc, đọc và yêu thích, đọc và ghi nhớ, đọc và mang theo suốt cuộc đời. Đó là "Buổi sơ khai".

Ngày ấy, tôi, con bé con 8 tuổi, mùa hè mặc váy trắng, nằm trên sàn nhà lát những viên gạch đỏ trong phòng ngoài một căn hộ nhỏ trên tầng 4 khu Giảng Võ. Bố tôi cầm một cuốn sách, hình như bìa màu trắng bạc, không có hình vẽ gì, chỉ một dòng chữ nhỏ: “Thơ Tagore”. Bố tôi đưa tôi và chỉ vào một bài thơ: ”Bài này hay lắm, con đọc đi".

Tôi đã đọc bài thơ trong những hình ảnh thiêng liêng về một nhà thơ râu tóc bạc phơ, hiền từ và đẹp như một vị thánh; về sự ngưỡng mộ sùng kính của những người đọc thơ, khi đến thăm ông lúc về đã đi giật lùi. Những câu chuyện bố kể như in vào đầu tôi, con bé con 8 tuổi, về sự linh thiêng và cao quý của Nhà Thơ.

Tôi đã đọc bài thơ, và ngay những dòng đầu đã thích chí cười với “mẹ ôm chặt bé vào lòng và trả lời nửa cười nửa khóc”. Tôi còn nhớ như in cảm giác sung sướng của đứa bé là tôi lúc ấy khi thấy hình ảnh vừa cười vừa khóc, khi cảm thấy mình hiểu được sự mâu thuẫn của hình ảnh vừa mừng vui, vừa ngộ nghĩnh, vừa xúc động.

Tôi còn nhớ tôi đã hỏi mẹ “ban thờ” là gì và khi mẹ trả lời tôi thấy thật hay biết bao khi trong thơ có những từ thật là lạ, và “ban thờ” là một điều gì đó cao xa hơn nhiều những từ mà tôi biết, “ban thờ” chứ không phải “bàn thờ”.

Tôi còn nhớ “và trong cả cuộc đời của mẹ mẹ nữa kia” đã gieo vào tôi ý niệm về một cái gì đó lồng vào nhau, mẹ của mẹ, mẹ của mẹ của mẹ, và xa nữa, xa xa nữa…

Tôi còn nhớ, mỗi lần tôi đọc bài thơ này cho bố mẹ, cho cả nhà nghe, đến đoạn “khi đương thời con gái”, thể nào mẹ tôi cũng đọc cùng tôi, và gương mặt mẹ bừng lên rạng rỡ.

Tôi đã đọc, tôi đã đọc nhiều lắm, tôi không biết vì sao mình lại thích bài thơ này đến vậy. Lúc nào tôi cũng đọc. Họp mặt khu tập thể, tôi đứng lên ghế đọc cho các cô các bác, các bà nghe. Ngày thi văn nghệ theo các khu nhà các phường, các huyện, tôi diện áo trắng juyp xanh xếp nếp đứng trên bục sân khấu đọc cho cả hội trường nghe. Khi ấy, bọn con trai lớp tôi, những cậu chàng lớp 8, khúc khích cười trêu lúc tôi đặt hai tay lên ngực và đọc “mẹ đã siết chặt con trên ngực mẹ”.

Tôi đã đọc những đêm ru con ngủ những ngày đầu làm mẹ. Dẫu rằng bài thơ trúc trắc nhường này nhưng với tôi nó vẫn êm dịu xiết bao. Khi ấy, mẹ tôi, giờ đây đã là mẹ của mẹ, có lẽ lại như ngày xưa nhẩm cùng tôi đoạn “khi đương thời con gái”.

Có thể là ngày bé tôi đã chỉ hiểu lơ mơ. Có thể là với thời gian, tôi đã thấm hiểu niềm hạnh phúc trong câu trả lời nửa cười nửa khóc. Có thể là đến bây giờ, khi tôi đã có hai con, tôi vẫn chưa hiểu hết bài thơ.

Nhưng tôi luôn thầm cám ơn bố mẹ đã cho tôi đọc bài thơ này vào buổi sơ khai của cuộc sống tâm hồn. Để tôi, trong dấu ấn đầu tiên của tâm hồn mình, trong những bước tiếp theo và mãi mãi, luôn mơ màng rằng trong thơ có ẩn chứa những từ ngữ cao xa, những từ ngữ đa nghĩa, rằng trong thơ những cảm xúc trái ngược, những cảm xúc mâu thuẫn bỗng quyện lại hài hòa, rằng trong thơ điều gần gụi và cái vô cùng sát bên nhau đến thế. Và nếu như nhà thơ viết một bài thơ không chỉ bằng một phút giây tỏa sáng mà bằng một phút giây tỏa sáng cộng với cả cuộc đời mình; thì người đọc thơ đọc một bài thơ không chỉ bằng một đêm xuân khi hình như mưa lất phất bay mà bằng một đêm xuân mưa lất phất bay cộng với cả cuộc đời mình.

Buổi sơ khai

Bé hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, con từ đâu đến vậy

Mẹ đã nhặt được con ở tận nơi nào ?”

Mẹ ôm chặt bé vào lòng, và trả lời

nửa cười nửa khóc:

“Con ơi con, con đã được giấu kín trong lòng mẹ

như chính những thèm khát ước mơ của nó.

Con ở trong con búp bê của những món đồ chơi tuổi nhỏ của mẹ.

Và mỗi buổi sáng khi mẹ lấy đất sét nặn ra

hình ảnh Chúa Đời của mẹ

thì mẹ đã nặn đi nặn lại con rồi

Con ở trên ban thờ nơi thờ vị thổ thần

Và khi thờ thần đó, đồng thời mẹ cũng thờ con

Con đã sống trong tất cả mọi niềm hy vọng, thương yêu trong đời mẹ

và trong cuộc đời của mẹ mẹ nữa kia

Con đã được nuôi dưỡng đời này qua đời khác

trong lòng của vị thần linh bất tử đã ngự trị ở nhà ta.

 

Khi đương thời con gái, trái tim mẹ nở xòe như một đóa hoa.

Con đã lượn quanh nó như một mùi hương phảng phất

Vẻ tươi mát nhẹ nhàng của con

Nở trên chân tay non trẻ của mẹ

như một ánh hồng

trên trời cao

trước buổi bình minh

Con là đứa con cưng của Thượng đế,

là anh em sinh đôi với ánh bình minh

Con đã theo dòng nước trôi xuống cuộc đời trần tục này

và cuối cùng con đã được đặt vào trong lòng mẹ

 

Khi mẹ ngây nhìn khuôn mặt của con

mẹ như bị ngập trong bao điều bí ẩn,

Và con, vốn là của chung của tất cả mọi người

đã trở thành của riêng của mẹ

Sợ mất con đi, mẹ đã siết chặt con trên ngực mẹ

Không hiểu sự diệu kỳ nào

Đã chiếm lĩnh cái kho vàng trên cõi thế

và đặt con vào đôi tay mảnh khảnh của mẹ đây ?”

(Thơ Tagore, Đào Xuân Quý dịch) 

Phần 2: Bài học sâu sắc mà GS Phan Đình Diệu dạy con gái

Phan Thị Hà Dương

PGS Phan Thị Hà Dương sinh năm 1973.

Chị giành huy chương Đồng trong kì thi Olympic Toán học quốc tế năm 1990, tốt nghiệp Tiến sỹ năm 26 tuổi và trúng tuyển vị trí Maitre de Conferences của trường ĐH Paris 7.

Sau 6 năm giảng dạy và nghiên cứu tại Pháp, chị về nước nghiên cứu và giảng dạy tại Viện toán học.


GS Phan Đình Diệu: "Chiều dài nào cho đất nước?"

GS Phan Đình Diệu: "Chiều dài nào cho đất nước?"

"Bởi tự rất xa nhìn cái gần mới thật" - Từ bờ Tây của Đại Tây Dương, GS Phan Đình Diệu đã "bao lần gọi tên đất nước" và canh cánh bên lòng câu hỏi "Liệu sẽ là chiều dài nào cho đất nước?".

"Trí tưởng tượng chỉ có thể khoáng đạt khi xuất phát từ sự thật”

"Trí tưởng tượng chỉ có thể khoáng đạt khi xuất phát từ sự thật”

“Cần phải có nhiều bộ SGK, vừa là tạo điều kiện để người dùng có thể lựa chọn tham khảo, vừa là động lực thúc đẩy các tác giả cố gắng hết sức để sách được người đọc đánh giá cao…” – PGS Toán học Phan Thị Hà Dương nói.