Cuộc trò chuyện cùng Vietnamnet diễn ra trước khi PGS Phan Thị Hà Dương lên đường sang Pháp tham dự "Ngày Toán học đối với sự phát triển" (Maths Day for Development, diễn ra tại UNESCO vào ngày 15/3).

{keywords}
PGS Phan Thị Hà Dương: "Rồi đây, trong sự phát triển và đòi hỏi của khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ càng ngày càng nhận thấy vai trò của Toán học". Ảnh: NVCC

“Đứng dưới mặt đất còn chưa vững thì lấy đâu mà bay bổng tưởng tượng?”

Là đại diện duy nhất của Việt Nam và là 1 trong 13 diễn giả tại hội thảo, chị dự định sẽ đề cập tới khía cạnh nào trong phần phát biểu của mình? Vì sao chị chọn nội dung đó?

- Trong khuôn khổ sự kiện, tôi sẽ tham dự phiên bàn tròn về “Tầm quan trọng của toán học trong giáo dục và đào tạo ở bậc phổ thông và ĐH tại các nước đang phát triển”.

Tôi dự định sẽ đề cập đến những thay đổi mới trong Các chương trình Toán học ở nước ta hiện nay: Việc Nhà nước đã đầu tư và phát triển chương trình trọng điểm Toán học mà hạt nhân là Viện NCCC về Toán; Một số chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH có liên kết với nước ngoài, trong đó có Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu Toán học UNESCO; Việc chúng ta đang cố gắng xây dựng các chương trình Toán học ứng dụng kết hợp Viện, trường và doanh nghiệp; Hệ thống đào tạo Toán học khuyến khích các năng khiếu toán ở phổ thông và ĐH; Và một điểm mới gần đây là việc xây dựng một chương trình giáo dục Toán phổ thông mới mà trọng điểm sẽ là bộ SGK mới.

Theo tôi, một số điểm là nét đặc thù của nền giáo dục Toán ở Việt Nam và một số điểm là những điều đổi mới đang được quan tâm và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tôi hy vọng điều đó cũng lý giải được một thực tế vẫn hay khiến các bạn quốc tế ngạc nhiên - đó là Việt Nam là nước có nền kinh tế chưa mạnh nhưng lại có nền Toán học phát triển khá bền vững và có nhiều thành tựu đứng đầu khu vực và cũng có những chuyên ngành so sánh bình đẳng được với thế giới.

{keywords}
Học sinh tham gia các hoạt động trong Ngày hội Toán học mở 2018 với chủ đề “Toán học giải mã thế giới hỗn độn”. Ảnh: Thanh Hùng

Không ít "cái máy giải toán giỏi" ở bậc phổ thông, khi lên đến ĐH hoặc cao hơn nữa lại bị thui chột dần, thậm chí biến mất. Nguyên nhân theo chị là do đâu?

-Thế nào là thui chột và biến mất? Là họ đã không trở thành các nhà toán học lỗi lạc ư? Có nhất thiết?

Nếu những cô cậu ấy theo học các ngành học khác, trở thành những nhà vật lý, hóa học, những bác sĩ, thậm chí nhà văn giỏi thì càng cho thấy và trên thực tế đã cho thấy toán học quả thực đã góp phần tạo nên những người có tư duy sâu sắc, có óc phản biện, có đóng góp cho xã hội.

Hội thảo lần này có sự hiện diện của một tên tuổi lớn: Cédric Villani, chủ nhân giải Fields Medal (cùng năm với GS Ngô Bảo Châu – P.V), ông từng nói: "Các nhà toán học cần có trí tưởng tượng". Chị có tán đồng câu nói đó?

- Tất nhiên rồi. Toán học đòi hỏi sự sáng tạo, mà có sự sáng tạo nào lại không cần trí tưởng tượng.

Trong khi đó, ở ta, đại đa số vẫn mặc định rằng toán học là một lĩnh vực hết sức khô khan, một môn học "khó nhằn". Phải chăng cách dạy và truyền cảm hứng của chúng ta... "nghèo tưởng tượng" quá nên đã ít nhiều bóp chết đam mê và sáng tạo?

-Trí tưởng tượng chỉ có thể khoáng đạt và hướng tới cái đẹp khi nó xuất phát từ sự thật. Nếu như không hiểu bản chất và xuất phát thực tế của các vấn đề toán học thì khó lòng có thể phát huy trí tưởng tượng, hay nói giản dị hơn là khó lòng yêu thích, thấy gần gũi và làm chủ được kiến thức.

Nhiều học sinh không thích môn toán, một phần lớn là do giáo dục toán phổ thông đại trà của ta. Bản thân toán phổ thông không quá khó, những vấn đề trừu tượng có thể được hiểu thông qua các ví dụ cụ thể và các thực hành trải nghiệm.

SGK và cách dạy hiện nay của ta làm cho học sinh chỉ có thể cố nắm bắt những khái niệm trừu tượng và không rõ xuất xứ. Sự hiểu biết lơ mơ sẽ làm các em tự ti, mông lung, đứng dưới mặt đất còn chưa vững thì lấy đâu mà bay bổng tưởng tượng.

“Cần phải có nhiều bộ SGK"

Vậy làm thế nào để giúp tháo bỏ tâm lý "sợ toán" ở nhiều bạn học sinh (đặc biệt là bậc THCS) ở ta hiện nay? Nguyên nhân của nỗi sợ này theo chị là từ đâu: Chương trình quá khó? Giáo trình lạc hậu? Phương pháp dạy chưa lôi cuốn, hiệu quả?...

- Hãy dạy các em thật cụ thể, nên bắt đầu bằng một ví dụ thực tế, trước khi đi đến khái niệm toán học. Như khi muốn nói về hàm bậc hai, có thể nói việc xem xét diện tích một sân bóng khi biết chu vi; khi muốn nói đến những bài toán tổ hợp, có thể nói đến việc chơi bài, việc đếm ghế trong nhà hát... Hãy cố gắng giải thích, dẫn dắt từng bước và cho thấy vì sao đi đến một cách giải, chứ không phải viết một lời giải gọn ghẽ và gây ngạc nhiên không biết vì sao tìm ra được nó.

Ngoài ra, việc thi cử quá nặng, và gần đây lại còn thi trắc nghiệm với tốc độ trung bình 2 phút một câu hỏi (nhiều câu khó) trong kỳ thi THPT sẽ dễ tạo tâm lý học để thi, học mẹo mực và không cần nắm rõ bản chất...

Nên có thêm nhiều các hoạt động như Ngày hội Toán học mở (đã được Viện NCCC về Toán tổ chức rất thành công ở cả 3 miền), về lâu dài nên xây dựng Cung khoa học như các nước để trẻ em có thể đến chơi và học toán và khoa học.

Ở nước ngoài, học sinh VN thường được khen là giỏi toán hơn các nước. Còn trong nước thì chỉ có được một thiểu số nhỏ giải toán xuất sắc, và phần đông... khiếp đảm môn toán. Vậy phải chăng, hơn thua vẫn là phương pháp?

- Đúng là nhiều học sinh du học của ta, nhất là các bạn có học bổng, thường học toán giỏi so với mặt bằng chung của SV nước ngoài. Nhưng đó chỉ là một số ít học sinh và không thể đại diện cho học sinh đại trà của chúng ta được.

Điều thứ hai, các bạn giỏi toán ấy đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để học và học. Nếu cùng một công sức ấy bỏ ra, mà được học một cách khoáng đạt hơn, gần gũi bản chất hơn, thì có thể các bạn ấy còn giỏi hơn nữa và sẽ yêu thích toán hơn nữa, nhìn thấy nhiều vẻ đẹp của toán hơn chỉ là khoái chí giải mấy bài hóc hiểm.

{keywords}
Giải quyết những "hỗn độn" bằng toán. Ảnh: Thanh Hùng

Từng nhiều năm nghiên cứu khoa học tại Pháp, chị nhận thấy SGK, cũng như phương pháp dạy môn Toán ở ta có gì khác biệt? Và cần "vá lỗi" ở điểm nào?

- Đây là một vấn đề tôi rất quan tâm. Cần phải có một cách viết SGK mới, gần gũi và hướng tới năng lực của học sinh hơn. Chính vì thế tôi đã đọc khá kỹ Chương trình giáo dục phổ thông (gọi tắt là Chương trình) mới về môn Toán và đã tham khảo SGK của một số nước châu Á, châu Âu và Mỹ.

Việc hoàn thiện một chương trình mới về Toán như vừa qua theo tôi là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức tìm hiểu, đối chiếu, tham khảo. Chương trình mới sẽ làm thay đổi bản chất cách chúng ta nhìn nhận về bộ SGK.

Tôi đánh giá rất cao chương trình mới này. Thứ nhất, nội dung môn học không chỉ để cung cấp kiến thức, để nhớ máy móc nữa; mà nó hướng đến việc giới thiệu xuất phát điểm của bài toán, ý nghĩa thực tế của các khái niệm và cách suy nghĩ để tìm ra lời giải. Hơn nữa chương trình đã đưa mảng kiến thức về Xác suất và Thống kê, những ngành học quan trọng trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay. Thứ hai là hình thức truyền tải sẽ gần gũi hơn, với các ví dụ, vấn đề trong cuộc sống, trong công nghiệp hay kinh tế cần được mô hình hóa bằng các khái niệm toán học; các trải nghiệm thực hành và hoạt động nhóm. Thứ ba, SGK sẽ không phải là tôn chỉ mà giáo viên bám sát, nó sẽ được sử dụng như sách tham khảo. Sách viết càng dễ hiểu, càng có nhiều hướng dẫn cụ thể, càng gần gũi với giáo viên và học sinh thì sẽ càng được tham khảo nhiều.

Chính vì vậy, cần phải có nhiều bộ SGK, vừa là tạo điều kiện để người dùng có thể lựa chọn tham khảo, vừa là động lực thúc đẩy các tác giả cố gắng hết sức để sách được người đọc đánh giá cao.

Cùng với đó, các giáo viên cũng phải tự cảm thấy cần thiết thay đổi cách dạy khô khan trước đây. Và cuối cùng, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện tốt để giáo viên có thể thực thi được chương trình mới (giáo viên được có điều kiện thời gian để sáng tạo và chuẩn bị bài giảng tốt, lớp học không quá đông để triển khai các thực nghiệm...).

{keywords}
"Đã có khi sau một buổi dạy học, tôi chợt nhận ra rằng món quà tuyệt vời nhất mà Thượng đế ban tặng cho con người chính là lời nói". Ảnh: NVCC

Có một thực tế là trong khi phần lớn học sinh chuyên Văn đều sợ Toán thì không ít học sinh chuyên Toán lại giỏi Văn, thậm chí yêu thích văn thơ (mà chị có lẽ là một ví dụ điển hình). Toán học đã đưa đến "liều vitamin" nào, theo chị?

- Để có thể cảm nhận một kết quả toán học cao cấp, cần phải được trang bị một số kiến thức toán mà nếu không làm trong ngành thì cũng không nhất thiết phải có.

Còn văn học gắn với cuộc sống, ai cũng có thể cảm nhận được, tùy theo từng người mà sự cảm nhận sẽ khác nhau. Văn học đẹp thế làm sao không yêu cho được? Tất nhiên những người làm toán thường hay tư duy, hay tưởng tượng thì việc họ muốn đắm mình vào những tưởng tượng của văn thơ sẽ làm họ rất thích thú.

Tuy nhiên, mỗi khi nghe các nhà văn khen những người làm toán giỏi văn, tôi đều cảm nhận trong đó một chút lòng ưu ái nuông chiều. Từ việc có khả năng viết một ghi chú có ý nghĩa, một cảm nhận tinh tế đến việc viết một truyện ngắn hay xa hơn viết một cuốn tiểu thuyết là một khoảng không mênh mông. Để trở thành một nhà văn thực sự không thể amateur được.

Vừa lọt top “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019” - theo Forbes, chị nghĩ sao về "sứ mệnh" truyền cảm hứng tới học trò, cộng sự và các con của mình, về tình yêu dành cho Toán học?

- Việc có tên trong danh sách này tất nhiên làm tôi thấy vui, nhưng không vì thế mà tôi đặt cho mình thêm nhiệm vụ gì đâu!

Độc lập với điều đó thì việc dạy học luôn là niềm vui của tôi. Mỗi khi bước vào lớp, tôi thường quên hết mọi lo nghĩ khác, chỉ còn bài giảng và học trò. Đã có khi sau một buổi dạy học, tôi chợt nhận ra rằng món quà tuyệt vời nhất mà Thượng đế ban tặng cho con người chính là lời nói: Được nói về những điều mình thích thú và say mê là một niềm hạnh phúc.

PGS Phan Thị Hà Dương hiện công tác tại Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị tốt nghiệp Tiến sỹ năm 26 tuổi và ngay sau đó trúng tuyển vị trí Maitre de Conferences của trường ĐH Paris 7. Sau 6 năm giảng dạy và nghiên cứu tại Pháp, chị quyết định cùng chồng là anh Lê Minh Hà (hiện là Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cấp cao về Toán) về nước, chuyên tâm về công tác dẫn dắt nghiên cứu và đào tạo. 

Xin cảm ơn chị!

Thư Quỳnh (thực hiện)

------------

* Ngày Toán học tổ chức tại UNESCO dưới dự tài trợ của Viện Hàn lâm khoa học Pháp.