- Phiên toà hình sự Toà án nhân Thành phố Hà Nội xét xử vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, diễn ra vào những ngày miền Bắc đón đợt rét đậm rét hại, nhưng sức nóng từ phiên toà không hề giảm.
Vụ án “xông đất” đầu năm 2018 thuộc loại đại án, với hai tội danh, với từng bị cáo, đều ở mức độ trên cả nghiêm trọng. Người dân theo dõi diễn biến phiên toà để giám sát xem tính nghiêm minh của công lý được thực thi như thế nào?
Cái giá mà những bị cáo phải trả cho từng hành vi “cố ý làm trái” và “tham ô tài sản” được lượng hình ra sao, có tương xứng không? Qua vụ đại án này, người dân muốn đánh giá, kiểm chứng kết quả công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” do Đảng phát động, cầm trịch đã đạt đến bước nào? Kiểm đếm và tiên lượng những “con sâu”, “bầy sâu” nào sẽ tiếp tục bị sức nóng của lò lửa chống tham nhũng, tiêu cực, tha hoá soi chiếu và “dẫn độ” ra ánh sáng?
Phiên toà hình sự Toà án nhân Thành phố Hà Nội xét xử vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, diễn ra vào những ngày miền Bắc đón đợt rét đậm rét hại, nhưng sức nóng từ phiên toà không hề giảm. Ảnh: TTXVN |
Cũng qua vụ án này, hệ thống tổ chức chính trị của Đảng và từng người dân có thể nhìn nhận rõ hơn hình hài, bản chất của “bầy sâu”-nhóm lợi ích, đánh giá căn nguyên và con đường dẫn dắt từng cá nhân đến suy thoái, tha hoá, đến mức trở thành tội phạm, để hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực.
22 bị cáo, trong đó có người từng giữ các vị trí quyền lực cấp cao trong hệ thống chính trị và tập đoàn kinh tế lớn, đã phải đối mặt với công lý và búa rìu dư luận.
Bản luận tội mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân trình bày tại phiên toà chiều ngày 11/01 đã chỉ rõ từng hành vi gắn với vai trò của từng bị cáo và mức độ, hậu quả mà hành vi đó gây ra, không quên đánh giá công-tội, cân nhắc lượng hình, khép tội, có lý có tình.
Mức hình phạt tù chung thân được đề nghị, dành cho nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh; mức phạt tù từ 14 đến 15 năm, dành cho nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; 26 đến 28 năm tù dành cho nguyên Tổng Giám đốc PVC, bị cáo Vũ Đức Thuận..., dù đó đã là hình phạt nghiêm khắc nhất, thì cũng chưa phải là những trừng phạt duy nhất.
Họ còn chịu những hình phạt hơn cả mức án chung thân, vô hình và hữu hình, những hình phạt từ truyền thông, dư luận xã hội, từ tổ chức mà họ từng là thành viên, và từ người dân của đất nước còn nghèo khó vốn căm phẫn trước mọi biểu hiện bất tín, vô nhân. Họ sẽ nhìn lại quãng đời đã qua, suy ngẫm về những mối quan hệ xây dựng từ thói ban phát quyền lực và chia chác lợi lộc tưởng bền chặt hoá ra bạc bẽo, mong manh; hồi ức về những ngày “đáo tụng đình”, những năm tháng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”... Đó mới là những hình phạt dai dẳng, chát đắng, đeo bám suốt cuộc đời họ.
Rồi đây, dù còn không ít những phiên toà xét xử vụ án tương tự, nhưng phiên tòa này sẽ đi vào lịch sử tố tụng, khi một vụ đại án, với hơn 20 bị cáo, liên quan đến quan chức, quyền lực, nhóm lợi ích, với những mối quan hệ thâm sâu, chằng chịt, rất nhạy cảm và phức tạp, sau một thời gian ngắn, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan điều tra, đã được đưa ra xét xử công khai. Phiên toà “xông đất” này cũng là phiên toà đầu tiên áp dụng Bộ Luật hình sự 2015 và mô hình phòng xử án mới không có vành móng ngựa; đại diện Viện Kiểm sát và 42 luật sư bào chữa ngồi ngang hàng.
Những hình ảnh từ phiên toà mà truyền thông cung cấp, cho thấy, những người tham gia tố tụng được sử dụng quyền tranh tụng tối đa, được tranh biện và đưa ra bằng chứng có lợi cho mình. Các bị cáo được quyền trả lời hoặc từ chối trả lời...Như thế quyền con người được tôn trọng. Bản luận tội mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra đã bớt đi những từ ngữ mang tính áp đặt, suy diễn và thêm nhiều ngôn từ biểu cảm; nguyên tắc suy đoán vô tội đã được chú ý...
Sau mỗi phiên toà xét xử vụ đại án “cố ý làm trái” hay “tham ô tài sản”, người ta thường quan tâm đến tổng số năm tù mà hội đồng xét xử tuyên cho từng bị cáo và các bị cáo. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng vấn đề cần quan tâm hơn, là làm sao sau mỗi phiên tòa xét xử vụ đại án, những ai còn manh nha ý đồ vụ lợi, tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái, sẽ biết sợ mà chùn tay. Họ phải tự cảm nhận, những bản án nghiêm khắc tương ứng đang dành đón, nếu họ phạm tội. Và, họ phải biết, dù là bản án ở mức nghiêm khắc nhất, vẫn chưa phải là hình phạt duy nhất.
Văn Uông