Sau khi phạt, phường còn phôtô quyết định xử phạt gửi tới khu phố để khu phố tiếp tục giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm.
“Người kinh doanh thức ăn đường phố đa phần là dân nghèo nên phạt tiền sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Nếu họ vẫn cố tình không thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) thì UBND phường, xã phải kiên quyết phạt tiền để họ thay đổi nhận thức, hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm” - ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM, nêu quan điểm.
Nhắc nhiều lần không xong là phạt!
Sau khi nhắc nhở nhiều lần, mới đây UBND phường 11, quận 3 (TP.HCM) đã ra quyết định phạt ông NHT (bán nước đá) 750.000 đồng do không có giấy xác nhận kiến thức ATTP và giấy khám sức khỏe. Tương tự, 400.000 đồng là số tiền mà UBND phường phạt ông ĐQL (bán cơm) do không có giấy xác nhận kiến thức ATTP.
“Sau khi bị phạt, cả hai ông đều đã đăng ký học lớp tập huấn kiến thức ATTP do UBND phường tổ chức. Ông T. còn tới Trung tâm Y tế dự phòng quận 3 để khám sức khỏe” - ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Y tế phường 11 (đơn vị tham mưu và đề xuất UBND phường ra quyết định xử phạt), cho biết. Cũng theo ông Hùng, từ đầu năm 2017 đến nay phường đã phạt năm cá nhân kinh doanh thực phẩm đường phố không đảm bảo ATTP, điều đáng mừng là những người bị phạt này đều không tái phạm.
Tại quận 11, ông Trần Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường 8, cho hay phường vừa ra quyết định phạt bà PTBL (bán phở) và bà TQH (bán bánh mì) mỗi người 400.000 đồng do bảo quản thức ăn thiếu an toàn. “Mặc dù đoàn kiểm tra ATTP của phường đã nhiều lần nhắc nhở nhưng bà L. vẫn không che đậy bánh phở để tránh bụi, bà H. vẫn để bánh mì trong cần xé dưới đất. Nhắc miết không được, UBND phường buộc phải xử phạt. Giờ cả hai bà đều có ý thức hơn, bánh mì và bánh phở đều được để trong tủ kiếng tránh bụi, vệ sinh hơn rất nhiều. Việc bà L. và bà H. vi phạm, bị xử phạt cũng được thông tin trong buổi họp của tổ dân phố nhằm tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, chấp hành các quy định về ATTP” - ông Thanh nói.
UBND phường, xã trên địa bàn TP kiên quyết xử phạt để dần đưa các điểm kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện đúng các quy định ATTP. |
Còn bà PTKP bán cơm ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, trước khi bị UBND phường xử phạt 400.000 đồng đã bị đoàn kiểm tra ATTP của phường nhắc nhở ít nhất ba lần. “Chúng tôi luôn nhắc hộ kinh doanh trước khi ra quyết định phạt tiền. Sau khi phạt, phường còn phôtô quyết định xử phạt gửi tới khu phố nơi bà P. kinh doanh để khu phố tiếp tục giám sát việc thực hiện ATTP của bà” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cho biết.
Tưởng chỉ nhắc ai dè phạt thiệt!
“Trước khi phạt tôi 400.000 đồng, đoàn kiểm tra ATTP phường Bình Hưng Hòa A cũng nhắc nhiều lần việc bảo quản thức ăn nhưng tôi nghĩ họ sẽ không phạt, ngờ đâu họ phạt thiệt, lại còn thông báo đến khu phố khiến tôi mắc cỡ gần chết. Giờ tôi đã thiết kế nắp đậy thức ăn để tránh bụi, ruồi nhặng” - bà PTKP cười nói.
Còn ông NHT cũng “xót đứt ruột” khi bị UBND phường 11, quận 3 phạt 750.000 đồng. “Đó là tiền lời tôi bán 3-4 ngày chứ ít gì. Nghĩ là phường chỉ nhắc chứ không phạt nên tôi chủ quan, chẳng dè vừa bị phạt vừa bị bêu tên trong buổi họp tổ dân phố khiến tôi muốn độn thổ nên tôi đã khắc phục sai phạm ngay. Bị phạt một lần tởn tới già, ông T. trải lòng.
Cũng theo ông T., chỉ khi đi tập huấn kiến thức ATTP ông mới biết đến những quy định buộc người kinh doanh phải thực hiện để đảm bảo thực phẩm luôn an toàn, tránh xảy ra ngộ độc cho người sử dụng. Cũng nhờ đi khám sức khỏe mà ông mới hay người kinh doanh thực phẩm không được mắc một số bệnh có thể lây truyền vi khuẩn qua thực phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
TP.HCM hiện có trên 19.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với gần 20.900 người trực tiếp đứng bán. Theo phân cấp, các điểm này do UBND phường, xã quản lý và cũng có những quy định liên quan đến ATTP. Trước đây, với những điểm kinh doanh không đảm bảo điều kiện ATTP, hầu hết UBND phường, xã chỉ nhắc nhở thì nay một số nơi đã mạnh tay phạt tiền. Đây sẽ là bước đệm để dần thay đổi toàn diện loại hình kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn TP trong tương lai không xa. Ông NGUYỄN ĐẠI NGỌC, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý ATTP TP.HCM Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm đảm bảo ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Bày bán thức ăn không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm ATTP; không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại; sử dụng nơi bày bán không cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; không có thiết bị bảo quản thực phẩm theo quy định; sử dụng dụng cụ ăn uống, chế biến, chứa đựng, bảo quản thực phẩm không bảo đảm ATTP; dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu để chế biến thức ăn không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn; sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định, không bảo đảm an toàn; sử dụng bao gói chứa đựng thức ăn không bảo đảm ATTP; kinh doanh thức ăn không bảo đảm an toàn. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm. (Trích Điều 22 Nghị định 178/2013
|
(Theo Pháp luật TP.HCM)