-  Việc bán 1 phần các DNNN sẽ giúp bù đắp ngân sách trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu từ các nguồn khác.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ, với chủ đề "Từ chương trình tới hành động", diễn ra tại Hà Nội ngày 3/12/2013, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi về quyết tâm trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi thấy tiến độ quá chậm.

Hiệu quả thấp, nợ cao

Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, các thống kê cho thấy, DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế và đang được hưởng ưu đãi, đối xử đặc biệt của Nhà nước về tiếp cận nguồn vốn, đất đai so với DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thường có lợi nhuận thấp, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ lớn...

Theo số liệu, dư nợ của các DNNN hiện lên tới trên 1,35 triệu tỷ đồng, trong đó 20%-30% là nợ không thể trả được. Nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện không tự chủ được về tài chính, đang hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Một số tập đoàn, tổng công ty đang có nợ quá hạn lớn, kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu...

Đến nay, các DNNN phần lớn không có sản phẩm, dịch vụ tốt, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam nói chung khi gia nhập thị trường khu vực cũng như quốc tế và kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế.

{keywords}

Nhiều dự án xi măng của DNNN được ưu đãi lớn từ Chính phủ nhưng kinh doanh thiếu hiệu quả

DNNN được hưởng nhiều ưu đãi sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với DN tư nhân, hạn chế khả năng phát triển của khối tư nhân.

Trong khi đó, tham nhũng và xung đột lợi ích đã trở thành những vấn đề đáng lo ngại trong khu vực DNNN. Dư luận đang băn khoăn, lo lắng liệu tập đoàn Nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán?

Mạnh dạn bán

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, nhu cầu chi tiêu, đầu tư công rất lớn, nguồn thu từ thuế giảm, do kinh tế khó khăn. Đây là thời điểm Việt Nam cần có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh, ông Steven Winkelman, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam nhận định.

Ước tính, tổng giá trị thị trường của phần vốn Nhà nước tại 11DN trong nhóm 20 DN lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán tp Hồ Chí Minh là 14,8 tỷ USD. Việc bán 1 phần các DN này dễ dàng bù đắp ngân sách trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu từ các nguồn khác. Nhiều ngành nghề Nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn như sản xuất hàng tiêu dùng, phân bón... không phải là ngành nhạy cảm.

{keywords}

Tuy nhiên tiến độ cải cách DNNN đang diễn ra hết sức chậm. Tốc độ cổ phần hóa từ 800 DN trong năm 2004-2005, giảm xuống còn hơn 30 DN năm 2012 và khoảng 100 DN trong năm 2013, thấp xa so với kế hoạch đề ra.

Không những thế, nhiều DNNN đã được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, hoặc công ty cổ phần với việc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lại chưa có quy chế về quản trị và giám sát đặc thù trong điều hành hoạt động.

Việt Nam hiện còn thiếu, hoặc chưa thực thi đầy đủ những quy trình, cơ chế đảm bảo DNNN chịu trách nhiệm trước cổ đông, tình trạng này có thể tiếp tục dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả, sử dụng vốn Nhà nước sai mục đích, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore cho biết.

Các nhà đầu tư nước ngoài hối thúc Chính phủ phải đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN. Chính phủ cần rà soát lại, những DN nào thua lỗ kéo dài, không thể cứu vãn thì nên cho giải thể, DN có tiềm năng thì có thể bán, đừng cổ phần hóa theo kiểu giữ cổ phần chi phối. Cần giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong các DN không thuộc diện nhạy cảm và tăng tỷ lệ của nhà đầu tư bên ngoài.

Ngoài ra, với những DNNN đang tồn tại, để hoạt động, cạnh tranh hiệu quả, cần phải tuân thủ các quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các DN tư nhân.

Cần xóa bỏ sự phân biệt giữa DNNN và DN tư nhân trong mọi lĩnh vực. Đừng nên để tình trạng như trong sản xuất xi măng vừa qua, các DNNN được hưởng quá nhiều ưu đãi, như tiếp cận vốn lớn, được Chính phủ bảo lãnh, thậm chí có DNNN còn được phép hạ giá bán xuống thấp hơn chi phí để tạo ra dòng tiền, nhưng kết quả là thua lỗ và dư thừa nguồn cung, đại diện EuroCham, ông Preben Hjortlund cho biết.

Theo ông Seck Yee Chung, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, Chính phủ cần phân biệt rõ vai trò hoạch định chính sách và chủ sở hữu DN của mình.

"Là người hoạch định chính sách Chính phủ cần phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN với DN tư nhân. Còn là chủ sở hữu Chính phủ phải đảm bảo DNNN hoạt động hiệu quả bền vững", ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.

Còn kéo dài tình trạng như hiện nay, DNNN được cấp tiền để làm ăn, nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... khi các khoản nợ không trả nổi, được khoanh lại, rồi được xóa nợ, sau đó các ngân hàng của Nhà nước lại cho vay tiếp thì không những không có hiệu quả mà còn trở thành gánh nặng.

Trần Thủy