Lần đầu tiên một loại cà phê Arabica trồng tại Việt Nam được chọn để cung cấp cho các cửa hàng của Starbucks. Theo giá niêm yết tại các cửa hàng Starbucks, giá cà phê Arabica đã rang xay kèm hương liệu khoảng 1,1 triệu đồng/kg.

Sản phẩm cà phê Arabica phát triển từ startup Cầu Đất tại Đà Lạt. Theo đó, sản phẩm này sẽ chính thức trở thành 1 trong 7 loại cà phê Arabica được hãng cà phê Starbucks chọn giao dịch, mua bán trên toàn thế giới với hơn 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia. 

Để được lựa chọn trở thành nguyên liệu chế biến cho Starbucks, cà phê phải đảm bảo vị, mùi và tiêu chuẩn an toàn khá khắt khe. Starbucks cũng công nhận cà phê Đà Lạt là 1 trong 7 loại cà phê ngon trên thế giới.

{keywords}

Nông dân Đà Lạt chăm sóc vườn cà phê Arabica

Bên cạnh cà phê, Startup này cũng đang cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như chè, rau và hoa cho các đối tác nước ngoài. Với ngành hoa, mục tiêu đến tháng 5/2017 xây dựng hoàn thiện nhà kính rộng 5.000m2 để trồng và xuất khẩu hoa cúc, hoa cẩm chướng sang Nhật Bản, với mục tiêu khoảng 10.000 cành/tuần. Đợt xuất mẫu đầu tiên với 300 cành đã nhận được nhiều lời khen từ phía Nhật Bản

Theo chia sẻ của Tạ Danh Tình, đại diện startup này, với lợi thế là những người trẻ, may mắn có dịp được tiếp xúc với các quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới như Israel, Thái Lan,... họ hy vọng có thể đem những kinh nghiệm hay về áp dụng tại Việt Nam. 

Nông trại của dự án rộng 7 hecta, là một trong số những nông trại đang sử dụng hệ thống IoT trong canh tác. Hệ thống này tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua, khoai lang, cà rốt, trà sạch.

Mới đây, một mô hình startup Việt thành công đã được lên báo Mỹ nhờ mạng lưới cung cấp những sản phẩm nông nghiệp sạch, có xuất xứ rõ ràng. Nhà sáng lập của Naturally Việt Nam là Mai Gautier, với cửa hàng rau củ trực tuyến. Khách hàng có thể đặt hoa quả tươi, thịt và nhiều loại nông sản an toàn qua mạng. Hàng được chuyển đến tận tay khách hàng trong vòng 24 giờ sau khi đặt. 

Naturally Vietnam hiện có hơn 300 sản phẩm nông sản sạch khác nhau.

Một startup khác về nông nghiệp cũng từng được đánh giá cao là dự án nấm sạch của Fargreen. Dự án trồng nấm sử dụng cơ chất rơm rạ, giúp giải quyết vấn nạn đốt rơm rạ sau vụ mùa, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường trong nhiều năm qua. Người nông dân trong mạng lưới có thêm thu nhập từ việc trồng và thu hoạch nấm, một nguồn phụ thu trong thời điểm nông nhàn. 

Nhà sáng lập trẻ Trần Thị Khánh Trang được tổ chức TED chọn làm thành viên chính thức và được tạp chí Foreign Policy của Mỹ chọn vào nhóm 13 nhà quản lý thuộc 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới.

{keywords}
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức

Cơ hội cho các startup nông nghiệp

Thị trường đang có tín hiệu tốt cho các sản phẩm sạch, như nông sản hữu cơ đã qua chế biến. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều cho rằng, để thật sự phát triển nông sản sạch cần có thêm nhiều doanh nghiệp Việt cùng làm.

Khánh Trang cho biết, thông qua việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được sản xuất trên dây chuyền thân thiện với môi trường, họ đã cùng chung tay góp phần đẩy mạnh sự phát triển của Việt Nam theo hướng mạnh khỏe hơn, xanh hơn và bền vững hơn. Đây là giải pháp toàn diện đương đầu với các thử thách do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Nguyễn Sơn Tiên, Giám đốc Công ty Sơn Hùng, đánh giá: “Nói chung về nông nghiệp Việt Nam, nói riêng về gạo thì tôi thấy rất cần thiết và cấp bách, không áp dụng và phổ biến ngay công nghệ xanh thì chúng ta không còn cơ hội vì chúng ta đang trên đà xa dần với sự phát triển của các nước”. 

Ông Sơn dẫn chứng, sản xuất gạo sạch sẽ đội chi phí đầu vào tăng cao như giống, phân bón và giá bán ra thị trường cũng cao hơn. Thực tế, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng người tiêu dùng chưa thật quan tâm đến chất lượng, an toàn cũng như nhận biết sự khác biệt của gạo sạch. Theo ông Sơn, đã tới lúc cần quan tâm cao đến chất lượng hơn là sản lượng nếu được vậy gạo Việt Nam sẽ lấy lại vị trí hoặc tiến xa hơn.

Mặc dù vậy, khởi nghiệp từ nông nghiệp không hoàn toàn dễ dàng. Theo đại diện của Naturally Vietnam, chưa thể đạt tới chuẩn quốc tế cho các sản phẩm hữu cơ bởi vấn đề ô nhiễm không khí và nước tại Hà Nội.

“Chúng tôi không thể tạo ra những sản phẩm hữu cơ 100% vì điều kiện nước và không khí tại Sóc Sơn chỉ gần đạt chứ chưa thực sự đáp ứng tiêu chuẩn này”, đại diện Naturally Vietnam nói. 

Nam Hải