“Cuộc chơi” rất tốn tiền

“Một trong những động lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới chính là sự bùng nổ về AI (trí tuệ nhân tạo). Ở chiều ngược lại, sự phát triển của bán dẫn sẽ hiện thực hóa mong muốn xử lý tính toán liên quan đến AI. Hai ngành bán dẫn và AI sẽ có tác động tương hỗ, song hành trong thời gian rất dài nữa”, ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam nhấn mạnh tại sự kiện “Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?” vừa được Nhã Nam tổ chức ngày 2/6 ở Hà Nội, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” của Chris Miller.

Ong Thang.jpg
Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam (Ảnh: Bình Minh).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc Công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution) nhận định: Những xu hướng mới như chip AI, hay chip AI mô phỏng hoàn toàn não người, chip lượng tử… sẽ thay đổi tương lai của chúng ta trong 10 năm tới.

"Bán dẫn là “mặt trận” rất lớn, liên quan tới nhiều ngành/lĩnh vực như vật liệu, vật lý, hóa học, cơ khí… Một số quốc gia có những tiềm lực mạnh hơn về con người sẽ đóng vai trò quyết định hơn so với những quốc gia mà tiềm lực con người còn hạn hẹp. Nhật Bản là ví dụ điển hình, tỷ lệ già hóa cao, lực lượng lao động trẻ không còn năng động nữa, đã dẫn đến chuyện mất vị trí trong ngành bán dẫn”, ông Hải phân tích.

Theo ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), bán dẫn là ngành xếp thứ 2 trong tất cả các ngành công nghiệp toàn cầu về chi tiêu cho R&D (nghiên cứu và phát triển), chỉ đứng sau ngành hóa sinh, sinh dược. R&D cho bán dẫn chiếm 14,8% tổng doanh thu. 

Mức độ chi cho R&D cũng tùy từng phân khúc của ngành bán dẫn. Trong phân khúc thiết kế chip, R&D của chip logic là 28% doanh thu, còn với memory chip (bộ nhớ chip) có thể ít hơn một chút.

Mặt khác, tùy quốc gia sẽ có mức chi R&D khác nhau. Mỹ là quốc gia có mức chi cho R&D bán dẫn dày đặc nhất. Trong danh mục sản phẩm chip tiên tiến (dưới 10nm) hiện nay, xét về sở hữu trí tuệ IP và design (thiết kế) thì 94% nằm ở Mỹ và EU, trong đó 2/3 của Mỹ và 1/3 của EU. Những số liệu này cho thấy sức mạnh R&D của Mỹ và EU trong chuỗi bán dẫn toàn cầu. 

“Bán dẫn cơ bản có 3 phân khúc: Thiết kế; Sản xuất; Đóng gói và kiểm thử. Hiện nay, lợi thế thiết kế đang nằm ở Mỹ và châu Âu. Sau khi thiết kế xong bản mạch chip, một số nước ở Đông Á, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ chuẩn bị nguyên vật liệu quan trọng cho sản xuất bán dẫn, sau đấy dồn về khu vực Đông Bắc Á, chủ yếu Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước ở Đông Nam Á để sản xuất, chế tạo ra chip.

Nhìn chung, nói về bản đồ bán dẫn hiện nay, ngoài Mỹ và EU, thì 4 địa điểm gồm Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc – vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cơ bản đang đảm nhiệm hết nhiệm vụ của ngành bán dẫn trên toàn cầu”, ông Thành cho hay.

Một vấn đề còn nhiều quan điểm trái chiều hiện nay là vai trò của nhà nước trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chris Miller – tác giả cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” cho rằng, nhà nước gần như không đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả cho ngành bán dẫn.

Thế nhưng, tìm hiểu chính sách hỗ trợ của các quốc gia cho lĩnh vực bán dẫn ở thời điểm hiện tại, Giám đốc CESS nhận thấy: Không nơi nào trong số các trung tâm bán dẫn lớn của thế giới lại không có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Chẳng hạn, Trung Quốc có Quỹ Đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia (Big Fund); Mỹ có đạo luật Chips…

Ong Thanh.jpg
Ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (Ảnh: Bình Minh).

Giám đốc Intel Việt Nam khẳng định: Thời điểm này, vai trò của nhà nước không thể bỏ qua. Bởi mỗi bước phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn đều liên quan đến nghiên cứu khoa học cơ bản. Đây là “cuộc chơi” rất tốn tiền. 

“Sự can thiệp phi thị trường có giá trị trong thời điểm nhất định. Tại thời điểm này, sự can thiệp phi thị trường sẽ có những giá trị khá “nặng ký” trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, ông Thắng nhận xét.

“Khi có biện pháp can thiệp phi thị trường như Chips Art vừa rồi của Mỹ thì phản ứng cũng lại phi thị trường, tạo ra thị trường khác. Trong rất nhiều phân khúc sẽ có sự thay đổi. Sự can thiệp nhà nước trong từng thời điểm nhất định sẽ có vai trò quan trọng vì những chính sách của chính phủ mới tạo ra được những thị trường đủ để thúc đẩy sự phát triển ngành. Nếu có những lớp trẻ tài năng, nhiều khi ngân sách rất ít vẫn có thể vươn lên được trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến tương lai cho Việt Nam theo hướng đó”, ông Hải dự báo.

Việt Nam nên ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

“Những nước xung quanh chúng ta hầu như nước nào cũng làm bán dẫn, thậm chí họ làm từ rất lâu rồi. Việt Nam là nước gần như cuối cùng tham gia việc này một cách mạnh mẽ, từ chính sách đến quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp. Việt Nam sở hữu một số lợi thế như: Lớp người trẻ, có nền tảng STEM khá tốt… Ngay cả việc chúng ta vẫn còn nghèo cũng có thể coi là một ưu thế.

Tuy nhiên, lĩnh vực bán dẫn rất rộng, rất nhiều phân khúc. Rõ ràng là Việt Nam nên làm bán dẫn, nhưng tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và chúng ta quyết tâm đến đâu để giành được vị trí trong chuỗi giá trị đó lại là câu chuyện cần xem xét nghiêm túc. Cứ “thấy người ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” thì rất khó tồn tại và phát triển lâu dài”, Giám đốc Công nghệ Công ty SNS lưu ý.

Ong Hai.jpg
Ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc Công nghệ Công ty SNS (Ảnh: Bình Minh)

Cẩn trọng đánh giá năng lực của mình không đồng nghĩa với e sợ, không dám dấn thân để làm việc mới, việc khó. Ông Hải chia sẻ bài học thực tế khi làm việc với một số bạn bè quốc tế: “Có những việc mình có thể làm tốt nhưng chưa bao giờ dám làm. Nhiều khi mình có khả năng nhưng không dám làm nên cuối cùng không làm được”.

Với kinh nghiệm 42 năm làm chip, ông Lê Minh Quốc (từng gắn bó 17 năm với Tập đoàn MK) băn khoăn trước hiện trạng: “Bán dẫn rất phụ thuộc vào khoa học cơ bản, nhưng rất tiếc tại Việt Nam nhiều năm qua, phần khoa học cơ bản lại bị xem nhẹ. Chúng ta thường chạy theo những công nghệ “ăn xổi” trên thị trường”.

Trả lời câu hỏi “vậy Việt Nam nên đi theo hướng nào khi tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu”, ông Quốc chia sẻ: “Ngày trước chúng tôi cũng có dự án định làm chip đến mức wafer (đĩa bán dẫn), cực kỳ tốn kém, đòi hỏi đầu tư không phải 1 vài tỷ USD mà vài nghìn tỷ USD.

Tôi cho rằng Việt Nam không nên đi vào hướng sản xuất wafer vì chúng ta sẽ không có đủ tiền đầu tư đâu. Hãy đi vào những lĩnh vực Việt Nam mình có thế mạnh. Quan trọng hơn nữa là phải tính được đầu ra, sản phẩm sẽ được ai dùng và dùng ở đâu. Ngay cả Samsung bây giờ cũng đã dừng sản xuất một số chip vì không có thị phần, không bán được. Đi tìm lời giải cho câu hỏi “chip dùng ở đâu”, nhiều khi chúng ta lại phát hiện ra thị trường ngách, chỉ cần đánh vào đấy thôi là thành công”.

“Việt Nam đang có xu hướng nhiều trường đại học mở trung tâm đào tạo thiết kế chip. Câu hỏi đặt ra: Học thiết kế chip xong, ai sẽ thuê làm thiết kế chip? Không biết các trường đại học, trung tâm lớn đã có câu trả lời chưa. Nếu không trả lời được, cứ đào tạo ra sẽ dẫn tới chuyện người được đào tạo thiết kế chip nhưng sau đó lại đi làm lái xe Grab. Tôi chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng cho rõ ràng xem đào tạo ra để làm gì”, ông Quốc nêu thêm một vấn đề cần lưu tâm.

Bàn về những thách thức đối với Việt Nam, Giám đốc Intel Việt Nam nêu quan điểm cá nhân: “Mặc dù chúng ta thấy quyết tâm của Chính phủ rất cao, quyết tâm của các doanh nghiệp cũng rất cao, và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp ở đâu đó chúng ta cũng nhìn thấy. Nhưng để biến thành quyết sách rõ ràng, rành mạch thì vẫn đang trong quá trình tìm hiểu và xây dựng tiếp”.

Cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Phạm Sỹ Thành đề cao tầm quan trọng của việc Việt Nam tự làm chip vì khi làm chủ công nghệ sẽ có thể đảm bảo an ninh quốc gia. Ngành công nghiệp bán dẫn vẫn có nhiều phân khúc ngách mà Việt Nam có thể tham gia được. 

“Giả sử chúng ta quyết tâm làm thì Chiến lược quốc gia về bán dẫn phải triển khai theo hướng doanh nghiệp và Nhà nước cùng ngồi thảo luận với nhau xem hướng nào doanh nghiệp có khả năng đi trong tương lai, cần đầu tư như thế nào… Các chính phủ trên thế giới đang thiết kế nhiều chính sách khác nhau.

Mỹ có cách tiếp cận rất hay. Họ đặt toàn bộ ngành bán dẫn trong khuôn khổ chính sách ngành chứ không nhìn nhận như một chính sách chuyên biệt, tức là phải biết cuối cùng cần ngành bán dẫn trong mảng ghép nào để đầu tư hệ thống đồng bộ đi kèm. Họ cũng tính toán rất kỹ những số liệu cụ thể, chẳng hạn, xác định cần 100.000 nhân viên kỹ thuật trong ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030 thì sẽ chia số lượng người cụ thể trong từng mảng như thiết kế, Fab (công ty có dây chuyền sản xuất và chế tạo bán dẫn của riêng mình)…, và trong từng mảng lại chia rõ số lượng người cho từng nhóm nhân viên – quản lý – kỹ thuật… Đấy là một kinh nghiệm quý mà chúng ta có thể học”, ông Thành khuyến nghị.