Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa chiều 24/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận về một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Xin trân trọng giới thiệu bản ghi kết luận của Phó Thủ tướng với bạn đọc.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, chiều 24/11.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kính thưa toàn thể các đồng chí,

Tôi nhận nhiệm vụ rất khó, là người nói gần như sau cùng của Hội nghị rất đặc biệt này.

Trước hết, tôi chân thành cám ơn tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã rất nỗ lực để có Hội nghị ngày hôm nay sau rất nhiều năm.

Tôi đặc biệt xin cám ơn nhiều nghệ sĩ, trí thức và Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng đã đề xuất và kiên trì qua rất nhiều khâu, nhiều nấc để Hội nghị này được tổ chức hôm nay.

Đây là Hội nghị mà từ nhiều năm, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi. Chúng ta cần có một Hội nghị toàn quốc để nhìn nhận vai trò của văn hóa; đánh giá đúng kết quả to lớn chúng ta đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt cần nhìn thẳng vào những bất cập, những thiếu sót để thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm chấn hưng văn hóa như lời Tổng Bí thư đã nói sáng nay. Chấn hưng không phải là làm khác đi. Chấn hưng là làm cho sáng hơn, phát triển hơn.

Chúng ta có thể thấy sức hút của hội nghị này. Rất, rất nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, các văn nghệ sỹ đã mong muốn được tham gia, đã gửi tham luận. Chắc rằng nếu Ban chỉ đạo, Ban tổ chức hội nghị kêu gọi tiếp như đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nói sáng nay, thì sẽ còn nhiều tham luận nữa được gửi tới cùng hiến kế để chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu như đồng chí Tổng Bí thư đã rất tâm huyết kêu gọi trong bài phát biểu của mình.

Chúng ta rất mong rằng, sau hội nghị này tất cả mọi người, không chỉ những người làm công tác văn hoá mà toàn xã hội, tất cả mọi người dân Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, dân tộc nào, tín ngưỡng, tôn giáo nào, đang ở trong nước hay nước ngoài đều được truyền cảm hứng, truyền trách nhiệm và niềm tin để góp phần làm cho văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.

Chúng ta cũng mong rằng tinh thần đó không chỉ trong ngày hôm nay, hay một vài ngày sau hội nghị này, mà từ nay về sau sẽ thường xuyên được nhắc lại, được cập nhật. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nói, chúng ta phấn đấu mỗi một nhiệm kỳ 5 năm sẽ có một Hội nghị toàn quốc như thế này.

Nội dung buổi chiều nay chủ yếu là bàn về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Có thể coi đó là phần cụ thể cho giai đoạn 10 năm tới. Tuy nhiên, văn hóa có rất nhiều nội dung, có nhiều việc phải làm liên tục. Từ Hội nghị lần thứ nhất đến nay và sau này nếu chúng ta tổ chức nhiều hội nghị nữa thì vẫn có những vấn đề phải nhắc lại. Những điều tưởng rằng là cũ mà không cũ, bởi đây là công việc thường xuyên. Tôi xin phép không nhắc lại toàn bộ những nội dung của chiến lược, của các văn bản đã chỉ đạo. Tôi chỉ xin được nêu một vài điểm có tính gợi mở để trong quá trình triển khai, trong thực tiễn chúng ta thực hiện được lời của đồng chí Tổng Bí thư đã nói sáng nay.

Thứ nhất là chúng ta vẫn phải tiếp tục bàn sâu nhận thức về văn hóa. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Có những câu nói từ xưa mà chúng ta đều nói với nhau nhưng ít khi nghĩ đến tận cùng. Ví dụ như khi nhắc câu dân là gốc, dường như nghĩ tới nghĩa chính trị là phải coi trọng dân, nhưng phải chăng cũng có cả ý nghĩa văn hóa như Tổng Bí thư đã nói? Văn hóa suy cho cùng cũng là ở con người.

Chúng ta cũng thường nói là đã nhận thức đầy đủ Nghị quyết, quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng khâu thực hiện còn yếu kém hoặc do nguồn lực không đủ. Nói như vậy có một phần đúng nhưng phần nhiều thì chính là tự bào chữa cho cái gốc rễ là chúng ta chưa nhận thức triệt để vì khi đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nào đó mang tính sống còn đối với đất nước, với dân tộc hay với bản thân mình, người thân của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm mọi cách và sẽ phải dồn cả thời gian, tiền bạc, công sức để làm cho bằng được. Cái gì mà ta cứ lặp đi lặp lại là đã nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ nhưng do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, do hạn chế về nguồn lực  thì phải xem lại nhận thức. Theo tôi điều này vô cùng quan trọng.

Tại sao tất cả mọi người làm công tác văn hoá khi được hỏi đều nói rất khó khăn. Tôi có mấy nhiệm kỳ phụ trách công tác này, đi khắp từ trong Nam, ngoài Bắc, khi hỏi anh em đều khái quát mấy điểm khó, tôi xin nêu để chúng ta cùng nhau suy ngẫm, để kỳ sau có hỏi thì anh em nói bớt khó đi.

Thứ nhất, tất cả bị sức ép về tăng trưởng như nhiều đại biểu đã nói. Văn hóa, xã hội trước mắt, trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế.

Thứ hai, văn hóa không như làm một cây cầu, một đoạn đường cao tốc hay xây một tòa cao ốc, chỉ sau 5 năm, 1 nhiệm kỳ là thấy ngay thành quả của tập thể lãnh đạo, của cá nhân lãnh đạo, mà có những việc dù rất nhỏ nhưng cũng phải nhiều năm, nhiều chục năm mới có kết quả. Chiều ngược lại cũng có những vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, một quyết định sai thì thấy ngay hậu quả và trách nhiệm tập thể hay cá nhân lãnh đạo, nhưng nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội thì dù không chú ý, chưa làm tròn trách nhiệm, hay dù quyết không chuẩn thì cũng phải nhiều năm sau, nhiều nhiệm kỳ sau mới bộc lộ ra và vì thế có tâm lý là cứ từ từ.

Thứ ba là các ngành kinh tế kỹ thuật thì đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới nói được, nhưng nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục dường như ai cũng cảm thấy mình biết. Được trao những cương vị phụ trách dù to, dù nhỏ, nhưng không ý thức được rằng mỗi một lĩnh vực chuyên ngành đều cần đội ngũ chuyên gia, cần những người nghiên cứu sâu, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm. Nhiều khi, ý kiến của các chuyên gia, của những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm không được tôn trọng. Dần dần thì một mặt là những người có trách nhiệm đưa ra quyết định thực ra là không đúng mà không biết là mình không đúng. Nhưng điều tệ hơn là đội ngũ chuyên gia và những người làm thực tiễn có kinh nghiệm vì không được trọng dụng dần dần bị mai một và dẫn đến  bị hụt hẫng lực lượng.

Sự không chú ý đúng mực về văn hóa, thể hiện rõ ở lượng thời gian mà lãnh đạo dành cho công tác này, thể hiện ở nguồn lực phân bổ cho văn hóa và thể hiện ở sự phân công, bố trí cán bộ, đến bỏ biên chế làm văn hóa.

Các tổ chức quốc tế gần đây khi nói về phát triển thường đặc biệt nhấn mạnh phát triển bền vững. Trước đây khi nói đến phát triển bền vững thì thường chủ yếu nói đến phát triển không hy sinh môi trường. Vấn đề công bằng xã hội được thể hiện trong phát triển bao trùm. Sau này phát triển bền vững nhấn mạnh cả môi trường, cả văn hóa xã hội. Nếu một đất nước chỉ tập trung vào kinh tế, không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất nhiều chục năm thì mới khắc phục được các hệ lụy. Nhưng đã chú ý đến môi trường rồi mà không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được, và thậm chí là sụp đổ.

Nhìn lại mấy chục năm vừa qua, nhiệm kỳ vừa qua, hay năm qua không phải chúng ta không cố gắng, không làm được nhiều việc. Có rất nhiều ví dụ về kết quả hoạt động văn hóa gắn với tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, con người… như trong các tham luận đều đã nêu. Chúng ta ngồi đây trong một toà rất hiện đại, nhưng có mái vòm hình chiếc nón. Hay là bao nhiêu di sản của Việt Nam được Thế giới tôn vinh. Và một ví dụ rất nhỏ thôi, chúng ta còn nhớ năm ngoái cả thế giới nhún theo nhịp điệu ghen Cô Vy từ Việt Nam... Đấy cũng là văn hoá dù là nhỏ, là cụ thể. Chúng ta không vì những tồn tại bức xúc mà quên những thành tựu. Như Tổng Bí thư đã nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay. Trong đó có văn hóa. Thậm chí văn hóa có phần nhiều, phần quan trọng.

Nhưng chúng ta cũng phải thật cầu thị, nhìn thẳng vào những bất cập, trong đó có bất cập về nhận thức như tôi đã nói ban đầu. Những biểu hiện về tồn tại bất cập trong xã hội có nhiều, rất nhiều. Tôi rất may mắn được tiếp xúc với rất nhiều nhà hoạt động văn hóa, các bác, các chú, kể cả các bạn trẻ thì đều có một nhận định mà tôi thấy rất đáng suy nghĩ: Có những tồn tại từ nhiều năm, trong xã hội  cho rằng đó là đặc tính cố hữu của người Việt Nam thì không phải. Nếu nói rằng những tồn tại, thói xấu là đặc tính của dân tộc Việt Nam thì làm sao dân tộc ta có một nền văn hiến rực rỡ như vậy? Làm sao chúng ta thắng được thiên tai địch hoạ? Phải chăng đó chính là do chúng ta ngày nay?

Bên cạnh rất nhiều biểu hiện tốt thì cũng có rất nhiều những biểu hiện phản văn hóa trong xã hội. Có thể kể ra mấy chục gạch đầu dòng. Trong đó, như đồng chí Tổng Bí thư và rất nhiều văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh là cần đặc biệt chú ý tới suy thoái về đạo đức, lối sống trong toàn xã hội. Gần đây tôi có làm một cuộc khảo sát riêng trong một số bạn sinh viên thì có hai biểu hiện mà các bạn có cùng ý kiến và nói đến ai cũng cảm xúc. Thứ nhất, là dường như là xã hội chúng ta quá trọng đồng tiền. Thứ hai là dường như mọi người lo cho bản thân mình nhiều quá. Hai điều mà các bạn sinh viên khi chia sẻ với tôi đều nói là rất trăn trở, suy nghĩ. Các bạn nêu nhiều dẫn chứng đồng tiền hay bị coi trọng quá dẫn đến biết chi phối bao nhiêu thứ ngay trong môi trường giáo dục đại học. Và mọi người nghĩ cho mình nhiều quá nên nghĩ cho mọi người, nghĩ cho chung ít đi. Tinh thần “một người vì mọi người, mọi người vì một người” mờ nhạt đi. Còn nhiều biểu hiện khác tùy vào từng lứa tuổi, từng nghề nghiệp mà người dân thể hiện mức độ bức xúc.

Như Tổng Bí thư nói chúng ta nhất thiết phải đặt ra trách nhiệm vừa phải kiên trì, dài hơi, nhưng bây giờ cũng phải thấy là rất cấp bách và phải để có những giải pháp thật thiết thực để chấn hưng văn hoá.

Có thể nói, các nghị quyết của Đảng về văn hóa, các lời dạy của Bác Hồ hay các phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, tôi dù mới đọc được ít nhưng cũng đã thấy không thiếu. Chúng ta chỉ cần làm theo những điều như Bác Hồ dạy là đã không thiếu bất kỳ điều gì.

Chiến lược phát triển văn hóa đã nêu đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và có phân công nhiệm vụ cùng các đề án rất rõ ràng. Tôi xin phép không nhắc lại, chỉ xin phép được nói một vài điểm mà anh em nghiên cứu xây dựng chiến lược của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, của các cơ quan và bản thân tôi rất suy nghĩ trước khi đặt bút ký nhưng không thể hiện hết trong chiến lược.

 Thứ nhất như văn kiện Đại hội Đảng đã nêu rõ và đồng chí Tổng Bí thư đã phát biểu, thực hiện chiến lược này sao cho góp phần khơi dậy được khát vọng trong toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Hội nghị này, mấy anh em chúng tôi bàn nhau muốn làm từ năm ngoái, nhưng do dịch nên giờ mới tổ chức được. Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khẳng định Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Hội nghị toàn quốc lần thứ hai có người ví như Hội nghị Diên Hồng đầu tiên về văn hóa thì khẳng định: Xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc. Anh em nói với nhau vậy sau mấy chục năm mới có lần thứ 3 thì Hội nghị xác định điều quan trọng nhất là gì? Thời đó là kháng chiến kiến quốc, giành lại độc lập thống nhất đất nước, bây giờ khát vọng đó là gì?

 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chúng ta phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh. Từ xưa kể tới giặc là giặc ngoại xâm, giặc dốt, gần đây là giặc COVID và một thứ giặc nữa là giặc đói. Bây giờ không còn đói nữa, mà là giặc nghèo, giặc tụt hậu. Phải làm sao tất cả mọi người Việt Nam phải có khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày trước để chống tụt hậu ngày nay.

 Bác Hồ đã nói văn hóa phải lấy cơ sở là hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta làm tất cả cũng vì hạnh phúc của nhân dân. Tổng Bí thư đã nói hạnh phúc không phải chỉ là nhiều tiền, nhiều của, nhưng chắc chắn nghèo thì không hạnh phúc được. Chúng ta không có tiền mua vắc xin, không có tiền mua thuốc cho dân thì làm sao chúng ta hạnh phúc được? Chúng ta vẫn phải phát triển nhanh hơn. Chúng ta phải chống được tụt hậu.

Phải chăng chúng ta cần thôi thúc, cần tạo xung lực để phát huy cao độ sức sáng tạo, sức mạnh của toàn dân, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta cùng suy nghĩ về chủ đề của Hội nghị này cho dễ nhớ,  thôi thúc được mọi người dân cùng tham gia cùng chấn hưng văn hóa.

Thứ hai, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khoa học công nghệ. Từ mấy năm trước, chúng ta nghe nói rất nhiều đến kỷ nguyên số, đến cách mạng 4.0,. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng ta hội nhập trên tinh thần như Bác Hồ đã nói là Tây phương hay Đông phương cứ cái gì tốt chúng ta học. Không phải sao chép nguyên xi vào, mà học để tạo ra một nền văn hóa của Việt Nam, để trau dồi nền văn hóa của Việt Nam. Hội trường này chúng ta cũng tiếp thu văn hoá phương Tây, nhưng vẫn có hình cái nón. Đặc biệt tới đây, trong không gian số và sau không gian số có thể còn không gian khác nữa thì vấn đề hội nhập, vấn đề tiếp thu văn minh của nhân loại mà không mất gốc càng quan trọng. Một mặt chúng ta chống lai căng nhưng mặt khác có nhiều lề thói, cũng có thể nói là những biểu hiện văn hóa không còn phù hợp thì nhất thiết chúng ta phải mạnh dạn thay đổi.

Điểm thứ ba, chúng ta đã nói rất nhiều đến tạo môi trường văn hóa. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh môi trường, không chỉ với văn nghệ sỹ mà toàn dân, toàn xã hội, đấy là một môi trường cổ vũ sáng tạo. Bác Hồ đã nói văn hóa là tất cả sự sáng tạo, phát minh. Chúng ta phải làm sao tạo ra một xã hội, tạo dựng một môi trường cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí là khác biệt, miễn là khác biệt ấy, không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước, một khi mà chúng ta tạo được môi trường để tất cả tài năng của mọi người, dù là văn nghệ sĩ hay là người nông dân đều được phát huy, được bừng nở, được tôn vinh thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể đi được nhanh hơn, sẽ làm được những điều mà chúng ta tưởng chừng không làm được.

Điểm thứ tư, về xây dựng con người, tôi xin phép được nêu 2 ý.

Thứ nhất, chắc là vì quá hiển nhiên nên các tham luận, phát biểu ít đề cập tới giáo dục. Đã nói văn hóa là nói đến con người, nói đến con người đầu tiên phải nói đến giáo dục.

Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới giáo dục. Giáo dục tương tự như văn hoá, cũng gặp những khó khăn như tôi vừa nói trên. Chúng ta phải cùng nhau để làm sao ngành giáo dục thực hiện bằng được đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trên tinh thần rất cầu thị. Đổi mới giáo dục cũng phải rất kiên trì. Như tôi đã phát biểu nhiều lần về giáo dục. Có những ý kiến, kể cả của chuyên gia muốn thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, có những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại liên quan đến cả hệ thống. Ví dụ chúng ta thay sách giáo khoa làm cuốn chiếu cũng phải mất 6 năm.

Thứ hai là văn hoá làm gương mà đồng chí Tổng Bí thư sáng nay cũng như  nhiều tham luận đã đề cập. Tôi muốn chia sẻ một điều tôi học được từ một bác rất đáng kính về bốn chữ “cần kiệm, liêm, chính”. Lúc đầu tôi cũng tưởng rằng Bác Hồ dạy “cần, kiệm, liêm, chính” là đối với cán bộ, đảng viên. Nhưng không phải vậy. Người dạy “cần, kiệm, liêm, chính” là cho tất cả. Trời có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Đất có 4 phương Đông – Tây – Nam - Bắc. Người bốn đức cần - kiệm - liêm -  chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người. Và với cán bộ thì thêm bốn chữ là “chí công vô tư” thôi. Và sáng nay, Tổng Bí thư đã nói làm gương từ trên xuống, nhưng tôi muốn nói thêm một vế: Trong toàn Đảng thì từ trên xuống nhưng với cán bộ văn hóa thì là từ trong ra. Những người làm công tác văn hóa cần cố gắng dù không ai hoàn thiện hết được, nhưng nên cố gắng phấn đấu thành những người có văn hóa. Được khen là đẹp, là giàu, là học cao không khó bằng và không thấy được động viên bằng được khen là có văn hoá.

Tôi rất mong muốn tất cả các cấp, các ngành hãy bằng hành động rất cụ thể để chú trọng hơn đến văn hóa. Như tôi đã báo cáo là hãy dành cho văn hóa nhiều thời gian hơn và nhiều nguồn lực hơn. Hãy lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu về văn hóa và những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm về văn hoá trước khi đưa ra các quyết định, cho dù quyết định đó không thuộc lĩnh vực văn hóa, vì văn hóa có trong mọi lĩnh vực  và mọi quyết định của các cấp lãnh đạo đều có tác động đến văn hóa.

Tôi xin đề nghị Liên hiệp Hội, các Hội như Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Đỗ Hồng Quân đã phát biểu, hãy cùng nhau và cùng với Bộ Văn hóa, cùng với cả hệ thống, sau hội nghị này có các hoạt động, các chương trình thật thiết thực. Các chương trình có thể thực hiện nhiều năm, không quá ham đề ra quá nhiều việc một lúc mà thật chắc chắn.

Cuối cùng tôi rất mong rằng tất cả chúng ta sẽ cùng lan tỏa tinh thần Việt Nam, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc, của người Việt Nam chúng ta. Chúng ta khiêm tốn nhưng cũng phải bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Chúng ta cùng vững tin là sẽ có thể xây dựng được một đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân và nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam sẽ bừng sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các văn nghệ sỹ cùng tất cả các vị đại biểu.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo VGP