- “Cách thực hiện tuy có khác nhau nhưng bản chất dùng mánh khóe để trộm đồ có giá trị tại di tích đem bán…”, ông Trương Minh Tiến, PGD Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Theo số liệu kiểm kê năm 2009 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 5.000 di tích lịch sử văn hóa trải khắp trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã với trên 2.000 di tích đã được xếp hạng. Số lượng hiện vật, di vật, cổ vật trong các di tích rất đa dạng, phong phú về chủng loại, niên đại và giá trị như: thần phả, sắc phong, long ngai bài vị, hoành phi, câu đối, bát hương, hương án, kiệu rước, bia đá…

Không phải bây giờ mới xảy ra

{keywords}
Vụ dỡ gỗ sưa khiến đình Cựu Quán mất một phần mái và đang phải phục hồi lại. 

- Thưa ông, từ vụ dỡ mái quán thờ để bán gỗ sưa ở Cựu Quán cho đến nhiều vụ việc báo chí lên tiếng về một số chùa thay đổi tượng Phật cổ, liệu đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề rằng, các vụ xâm hại di tích, di sản gần đây đã, đang và sẽ xảy ra nhiều hơn khi bản thân chúng chứa đựng rất nhiều hiện vật quý giá, là đối tượng của thị trường buôn bán đồ cổ?

Trước hết có thể khẳng định rằng một số vụ việc xảy ra như vậy chỉ là cá biệt, không phải là hiện tượng phổ biến. Có thể nói, nạn trộm cắp cổ vật - đồ thờ trong di tích không phải bây giờ mới xảy ra. Còn hiện tượng dỡ mái quán thờ để bán gỗ sưa ở Cựu Quán chỉ là sự việc đơn lẻ.

Việc bán gỗ hay một số chùa thay đổi tượng Phật cổ (đánh tráo hiện vật, đồ thờ), cách thực hiện tuy có khác nhau nhưng bản chất dùng mánh khóe để trộm (cổ vật) đồ có giá trị tại di tích đem bán nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm người nào đó. 

Tuy nhiên, ở một cách nhìn khác, người dân thường có tâm lí thích cái đẹp, cái mới, do vậy mới có việc một số đền chùa người ta bỏ tượng, đồ thờ tự cũ (cổ) để thay mới “cho đẹp” mà không ý thức hết được giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của nó.

- Sự tồn tại của tổng số các hiện vật này có đang được Sở biết tới bằng những thống kê cụ thể về số lượng, lẫn ước định giá trị của chúng, không phải về mặt văn hóa - lịch sử mà bằng số tiền có thể giao dịch, mua bán trên thị trường?

Các đồ thờ (hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật) trong di tích đã xếp hạng đều được Ban quản lý Di tích Danh thắng thuộc Sở lập danh mục kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa với thông số cơ bản như: sơ đồ bài trí trong các di tích, chất liệu, kích thước, tình trạng bảo quản, giá trị thẩm mỹ, niên đại tạo tác… để phục vụ công tác quản lý, phát huy giá trị di tích.

Sở cũng thường xuyên phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng hồ sơ hiện vật trong các di tích trên địa bàn quản lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, giúp địa phương hiểu rõ về số lượng, giá trị, cách thức bảo quản thông thường đối các hiện vật, di vật, cổ vật trong di tích. Các hồ sơ hiện vật của di tích cũng là cơ sở khoa học để nhận dạng, xác định hiện vật, di vật, cổ vật trong trường hợp không may bị mất cắp, bị hoả hoạn…

Một số địa phương đang xây dựng hồ sơ và quản lý khá tốt hồ sơ hiện vật trong di tích như quận Tây Hồ, huyện Đông Anh, huyện Từ Liêm… Tuy nhiên, theo Luật di sản văn hóa, chưa có quy định cũng như các điều kiện cụ thể để xác định hết được giá trị bằng tiền đối với các hiện vật trong di tích, trừ những hiện vật mới được cung tiến.

Đã có nhiều cổ vật bị mất cắp

{keywords}
Vụ thay đổi tượng Phật ở chùa Chân Long khiến người dân trong làng phản ứng.

- Sau việc kiểm kê này, ngoài ý nghĩa biết được tổng số những di vật quý giá mà chúng ta đang có, Sở có tiến hành điều tra, thu hồi lại nếu phát hiện xảy ra thất thoát hoặc đánh tráo di vật?

Các đồ thờ tự trong di tích đã được kiểm kê trong hồ sơ xếp hạng của di tích (Ban quản lý Di tích Danh thắng thực hiện) hoặc trong hồ sơ hiện vật di tích (do UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện) là bằng chứng khoa học, là căn cứ chính yếu phục vụ cho việc thu hồi các hiện vật nếu phát hiện xảy ra thất thoát, đánh tráo di vật hoặc để phục chế, phục hồi khi di tích không may bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn.

Nếu phát hiện việc đánh tráo, thất thoát di vật, căn cứ trên các hồ sơ quản lý, các bằng chứng liên quan của các hiện vật đó, Sở sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thu hồi di vật trả lại cho di tích. Thực tế đã có nhiều di vật, cổ vật bị lấy cắp được nhân dân hoặc cơ quan Hải quan, Công an phát hiện thu giữ, sau khi ngành Văn hóa giám định đã trả lại được cho di tích ví dụ như 4 bức phù điêu gỗ có phong cách Nghệ thuật thế kỷ 18 tại chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, một số đồ thờ tại đình Từ Châu, huyện Thanh Oai; tượng cổ tại chùa Lâm Dương quán, quận Hà Đông…

- Thanh tra Sở có thể làm gì nếu phát hiện được pho tượng cổ của một di tích cấp Quốc gia đang được giao dịch ngầm trên thị trường? Sở có đặt ra vấn đề quản lý thị trường này?

Theo Điều 66 Luật di sản văn hóa quy định về chức năng thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa, nếu phát hiện có việc giao dịch ngầm trên thị trường hiện vật của các di tích thì Thanh tra Sở sẽ phải ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền, đồng thời kiến nghị các biện pháp để bảo đảm thi hành pháp luật về di sản văn hóa.

- Hiện nay, đối tượng xâm hại di sản theo cách lấy đồ quý giá đem bán có đủ cơ sở để xử lý hình sự hay chỉ xử lý theo Luật Di sản, thưa ông?

Theo Luật di sản văn hóa, ở chương VI: Khen thưởng và xử lý vi phạm, thì người nào cố tình chiếm đoạt hoặc có hành vi gây hư hại, hủy hoại thì tùy theo tính chất. mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật…

Xin cám ơn ông!

Minh Chánh