(VEF.VN) - Vinapco vừa hủy hợp đồng đối với công ty vận tải Hồng Phát (Trung Quốc) sau khi hơn 1.300 tấn xăng A92 tái xuất của hợp đồng này bị đối tác bán lậu về Việt Nam. Khoản tiền 400.000 USD đặt cọc của Hồng Phát cho Vinapco có thể sẽ bị cơ quan chức năng yêu cầu phong tỏa.
Trước đó, như VietnamNet đã đưa tin, ngày 28/7, tại vùng biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nam Định, lực lượng chống buôn lậu của hải quan đã bắt quả tang tàu Giang Châu I của công ty Hồng Phát- Trung Quốc đang rót lậu xăng cho 3 tàu nhỏ Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08 của công ty Hoàng Sơn (Thanh Hóa, Việt Nam).

Tổng số xăng phát hiện trên tàu là 1.650 tấn xăng A92 nhưng trong tờ khai chỉ ghi khoảng 1.350 tấn.

Toàn bộ số hàng trên là của công ty TNHH một thành viên xăng dầu Hàng không (Vinapco) bán cho công ty TNHH Hồng Phát- Trung Quốc theo hợp đồng mua bán hình thức tạm nhập tái xuất, ký ngày 6/4/2012.

Đáng lẽ, số xăng trên phải được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng trên đường vận chuyển bằng đường biển, đối tác Trung Quốc đã tiêu thụ ngay trên lãnh thổ biển Việt Nam.

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, xăng dầu tạm nhập để tái xuất không phải nộp các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và không được phép tiêu thụ ở thị trường nội địa. Vì vậy, việc bán ngược trở lại cho công ty Hoàng Sơn để tiêu thụ ở nội địa là hành vi vi phạm luật pháp nghiêm trọng.

Vì vụ việc này, Vinapco vừa có báo cáo tới Bộ Công an các quan hệ mua bán xăng dầu với hai đối tác vi phạm trên.

Theo đó, Vinapco cho hay, sau khi phát sinh vụ vi phạm thẩm lậu xăng trên, ngày 1/8, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng liên quan đến lô xăng bị thẩm lậu trên với công ty TNHH vận tải Hồng Phát của Trung Quốc. Hai bên đã ký biên bản đối chiếu, quyết toán tiền hàng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đền bù do hợp đồng bị phá vỡ.

Theo đó, Vinapco sẽ trả lại khoản tiền 693,123,06 USD, bao gồm trong đó có 400.000 tiền đặt cọc và tiền mua hàng nhưng chưa nhận hàng của Hồng Phát.

Tuy nhiên, theo yêu cầu từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan từ 3/8, Vinapco vẫn đang tạm thời giữ lại khoản tiền đặt cọc trên nhằm phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó, phía công ty Hồng Phát vẫn đang thúc ép Vinapco chuyển trả tiền đặt cọc.

Do vậy, Vinapco đề nghị Bộ Công an có quyết định hành chính cụ thể về việc giữ tiền đặt cọc của đối tác để tránh những kiện cáo, tranh chấp pháp lý về sau.

Cũng theo báo cáo của Vinapco, công ty Hoàng Sơn - đơn vị có vi phạm trong việc "nhập" lậu lô xăng trên cũng chính là đại lý tiêu thụ xăng dầu nội địa của Vinapo từ năm 2006. Trong năm 2012, Vinapco đã thuê công ty này vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất về các kho hàng nội địa của Vinapco và thuê kho chứa dầu diezen.

Theo hợp đồng, hàng hóa đã xuất bán cho công ty Hồng Phát thì Vinapco không có trách nhiệm về tuyến đường vận chuyển hay việc tiêu thụ lô hàng này. Tuy nhiên, cả 2 đối tượng vi phạm là công ty Hồng Phát và công ty Hoàng Sơn đều đồng thời là đối tác của Vinapco, một là đối tác nhập khẩu, một là tổng đại lý bán lẻ.