Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90.
Chương trình có tổng nguồn vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án độc lập và 5 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, trong đó có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Bám sát mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững
Thông tin tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu: Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu này cao hơn so với giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều bao trùm nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình là các “lõi nghèo” của cả nước.
Chương trình đã cơ bản bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện theo Nghị quyết 24 như đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát nghèo; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, tạo động lực (chiếm 81% tổng nguồn vốn...)
Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện, như Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cao Bằng, Hải Phòng…
Đến tháng 9/2022, chương trình đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương (sớm nhất trong 3 CTMTQG).
Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định: Có 4 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù; 3 tỉnh đã ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; 9 tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo đa chiều khác/cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025; hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo 2022-2025, làm cơ sở để xây dựng các dự án, tiểu dự án sát với thực tiễn của địa phương.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình từ tháng 12/2021 đến năm 2023 trên 23 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,84% tổng nguồn vốn 5 năm, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 95%. Vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến 30/6/2023 lũy kế là 34.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.
Bước đầu Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực, đời sống người nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn nghèo có bước cải thiện, nâng cao. Theo báo cáo đã cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm.
Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.
Chuyển nguồn vốn chưa giải ngân sang năm 2024
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phân bổ ngân sách có nội dung còn chậm, năm 2022 chưa được phân bổ 700 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng thuộc dự án 3 (100 tỷ đồng) và dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo (600 tỷ đồng).
Kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 còn khá khiêm tốn. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021, 2022 chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của chương trình, phần lớn là do tác động của các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội, sự tự lực vươn lên của người dân và tác động chung của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước…
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn vốn Trung ương và địa phương cả 3 CTMTQG năm 2023 chưa giải ngân hết sang năm 2024 (bao gồm cả nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp); cho phép Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, mục tiêu, chính sách, dự án, tiểu dự án của chương trình... không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.