(TuanVietNam) - Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.

Xã hội ủ mầm và gây men?

Chưa bao giờ, bức tranh toàn cảnh về giáo dục tại Việt Nam hiện nay lại quá nhếch nhác đến vậy. Từ chuyện bằng giả, bằng dỏm, thậm chí bằng thật mà kiến thức "dỏm", rồi mới đây là chất lượng đầu vào của đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng 2011 đã nói lên tất cả.

Với mức điểm chuẩn là 13, 14 điểm đã là quá thấp mà nhiều trường còn không tuyển đủ số lượng. Một số trường còn dùng "tấm bùa hộ mệnh" là điều 33 trong Quy chế tuyển sinh để vét cho đủ chỉ tiêu. Nhiều thí sinh chỉ đạt 7, 8 điểm (3 môn thi) vẫn nghiễm nhiên bước chân vào giảng đường đại học thì khỏi phải nói cũng biết chất lượng đầu ra sẽ như thế nào.

Mấy năm trở lại đây, báo chí nhiều lần nhắc đến thực trạng sử dụng bằng giả. Có thể nói rằng bằng giả đang xuất hiện tràn lan ở hầu hết các tỉnh thành, không có ngành nghề nào là ngoại lệ và ở mọi cấp bậc khác nhau. Đã từng có một vụ án liên quan đến 87 bằng giả tại Long An bị khởi tố. Bằng giả không còn là hiện tượng cá biệt mà trong xã hội, còn hình thành những đường dây, tổ chức mua bán bằng hẳn hoi.

Thậm chí, nạn mua bán bằng giả được rao bán đầy rẫy trên mạng và được mặc cả công khai giữa ban ngày. Thật không thể tin được khi một tấm bằng thạc sỹ được rao bán với giá chỉ có... 18 triệu đồng. Người mua sẽ nhận được tấm bằng danh giá ấy chỉ trong vài ngày, với lời hứa "giống thật 100%, bao đi công chứng"(?)

Không trắng trợn như mua bán, sử dụng bằng giả, một trào lưu mới cũng đang rất thịnh hành trong xã hội hiện nay là vấn nạn bằng dỏm. Người được cấp bằng dỏm thường chọn cách học ở 1 cơ sở liên kết đào tạo giữa 1 trường đại học "ma" nào đó ở nước ngoài với 1 cơ sở đào tạo trong nước.

Chỉ cần học trong 6 tháng, người ta đã có bằng tiến sĩ hay mang danh tốt nghiệp tiến sĩ của 1 trường đại học nước ngoài nhưng 1 chữ ngoại ngữ bẻ đôi không cần biết.

Sở dĩ vấn nạn bằng giả, bằng dỏm sinh sôi nảy nở đến chóng mặt bởi nó do những căn bệnh cố hữu của xã hội ủ mầm và gây men. Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực ... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.

Bất kỳ một sản phẩm gì khi đã là giả, là dỏm thì tất nhiên là đồ vứt đi, là thứ không thể sử dụng được và cần được lên án để kịp thời ngăn chặn, chứ không riêng gì tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học hoặc tiến sĩ.


Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền... còn tồn tại thì vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.

Giả, dỏm và thật có khác nhau?

Tuy nhiên, khi nói đến những thứ hàng giả, hàng dỏm cũng cần phải xem xét những món hàng thật có đảm bảo chất lượng hay không? Nếu là hàng thật mà không có chất lượng hay chất lượng quá kém thì chẳng khác nào thứ hàng giả.

Lâu nay, tình trạng "đi thầy" hay "cống nộp" trước hay sau khi thi diễn ra rất phổ biến ở các trường đại học. Thậm chí cả ở các bậc học cao hơn như cao học hay nghiên cứu sinh vẫn không phải là ngoại lệ.

1 người bạn vừa mới nhận được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại 1 trường đại học có uy tín ở TP.HCM "bật mí" cho người viết bài này, rằng cứ sau mỗi môn học, tùy theo tình trạng của kết quả làm bài thi mà người học quyết định "đi thầy" bao nhiêu.

Thường thì chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho mỗi môn và muốn có điểm cao thì môn nào cũng phải "cống nộp" đầy đủ. Người chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa học viên và giảng viên thường là... lớp trưởng.

Vấn nạn bằng giả, bẳng dỏm và bằng kém chất lượng sẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được, nếu không thay đổi được chất lượng giáo dục, không thay đổi được nhận thức của xã hội về danh phận, chức quyền cũng như giá trị của tri thức.

Đây là điều không quá bất ngờ khi người viết bài cũng đã từng kiểm tra kiến thức của rất nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Không ít bạn thể hiện rõ mình thiếu cả kiến thức chuyên môn lẫn những kiến thức xã hội. Đó là chưa kể đến các kỹ năng khác rất quan trọng như khả năng viết văn bản, khả năng trình bày, thuyết trình... cũng đều rất hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng về thực trạng sinh viên ra trường nhưng kiến thức bị hổng nặng, phải đào tạo lại từ đầu. Đây quả thật là một gánh nặng cho xã hội mà nguyên nhân chính không ai khác, là do 1 nền giáo dục kém cỏi tạo ra.

Khi mặc cả việc mua bán bằng giả, người bán dám cam kết tấm bằng do họ làm ra "như thật", có thể qua mặt được các cơ quan công chứng, chứng nhận giá trị tri thức của mỗi người trước khi bước ra xã hội. Nếu những cam kết này là đúng thì không biết có bao nhiêu người đã mang thứ tri thức giả đó để đánh lừa xã hội.

Rồi những người nắm trong tay những tấm bằng thật nhưng kiến thức lại trống rỗng thì sao? Chẳng phải họ cũng đang lừa dối xã hội và tự lừa dối chính mình đó hay sao?

Xem ra trong 1 môi trường giáo dục quá nhiều bất cập, nạn đào tạo tràn lan không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào, đầu ra thì phân biệt bằng thật, bằng giả liệu có ích gì? Thật, giả hay dỏm gì đều cũng chứa đựng sự gian dối thì giá trị của tấm bằng có khác gì nhau?

Vấn nạn bằng giả, bẳng dỏm và bằng kém chất lượng sẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được, nếu không thay đổi được chất lượng giáo dục, không thay đổi được nhận thức của xã hội về danh phận, chức quyền cũng như giá trị của tri thức.

Trần Minh Quân