Sáng nay (9/5), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố PCI 2023 và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023. Theo đó, Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Tháp là 5 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2023.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 7 liên tiếp với 71,25 điểm. Địa phương này ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, với chỉ số thành phần (CSTP) Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,72 điểm, đứng thứ 2 toàn quốc. Tỉnh này còn đứng thứ 3 cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, với CSTP Chi phí không chính thức đạt 7,72 điểm.
Long An trở thành “ngôi sao mới” khi từ vươn lên vị trí á quân năm 2023 với 70,94 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2022. Các doanh nghiệp đánh giá cao địa phương này trong nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (với CSTP Chi phí không chính thức đạt 7,74 điểm) đứng thứ 2/62 địa phương.
Tỉnh Long An cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, với CSTP Chi phí thời gian đạt 8,40 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh còn được ghi nhận về tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền với CSTP Tính năng động, tiên phong đạt 7,24 điểm, đứng thứ 4 trên cả nước.
TP. Hải Phòng tiếp tục kéo dài chuỗi 3 năm liên tiếp trong Top 5 PCI kể từ năm 2021; còn Bắc Giang đánh dấu lần thứ 2 xuất hiện trong Top 5 kể từ năm 2022. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kéo dài chuỗi 16 năm liên tục nằm trong Top 5 PCI cả nước từ năm 2008 tới nay.
Trong bảng xếp hạng PCI này, TP.HCM đứng vị trí 27 với 67,19 điểm và Hà Nội xếp vị trí thứ 28 với 67,15 điểm.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt "lợi thế của người đi sau" khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022; chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát; thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.
“Cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực”, ông nhấn mạnh.
Song, theo ông Công, báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm. Từ phản ánh của doanh nghiệp, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ông chỉ rõ.
Kể từ năm 2005, chỉ số PCI đo lường và xếp hạng 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trên các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Báo cáo này giới thiệu xếp hạng 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm. Theo đó, Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Ngoài ra, có môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; chất lượng đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì. |