Tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc TƯ sáng nay, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta đã đạt được những kết quả. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nên cần phải tăng cường thêm nữa.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng |
Chúng ta đã đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị và tuyên truyền chính trị; Đổi mới về học tập nghị quyết của Đảng, thu ngắn thời gian, mở rộng đối tượng tham gia, tránh được tam sao thất bản; Tổ chức được hoạt động đấu tranh, trực diện, cụ thể sát định hướng; Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân ở từng địa bàn, từng địa phương...
Môi trường báo chí phải lành mạnh
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nêu một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.
Cụ thể, cần tập trung đổi mới để nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH trong tình hình mới.
Chúng ta phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo ông, với phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo báo chí trong thời gian qua đạt được một số kết quả, đặc biệt là với một số vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Dù vậy, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục điều chỉnh nâng cao chất lượng.
Ông dẫn chứng, hiện chúng ta có 1.000 tờ báo, nhưng quy định pháp luật về quản lý báo chí, đặc biệt là văn bản dưới luật còn rất lỏng lẻo, bất cập.
Điều này thể hiện qua việc phân biệt giữa báo và tạp chí chưa có quy định nào dưới luật quy định, nên khi cấp giấy phép hoạt động tạp chí nhưng lại hoạt động như 1 tờ báo mà không có biện pháp nào để xử.
Việc xử phạt thì như "gãi ghẻ" vì vướng vào quy định xử phạt hành chính.
“Báo chí mà xử phạt 5 - 10 - 15 triệu thì không đủ sức răn đe, thậm chí quy định xử phạt không có quy định tước giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động”, ông Thưởng nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng chỉ ra: “Để kỷ luật được một ông tổng biên tập, phó tổng biên tập không liên quan tới vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thì khó vô cùng”.
Một vấn đề khác được ông nhắc tới là do luật chưa chặt chẽ nên không thừa nhận báo chí tư nhân nhưng lại cho DN hợp tác với các cơ quan báo chí trong một số khâu.
Chính sự hợp tác này làm cho sự tác động của các cá nhân, tổ chức, đơn vị vào các cơ quan báo chí hình thành những cái ta phải chấn chỉnh, xử lý mạnh mẽ hơn.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, đối với lĩnh vực báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, công ty kinh doanh cung cấp công nghệ làm nội dung thông tin thì giống như “thả bầy ngựa ra chúng ta đuổi”.
“Bầy ngựa này chúng ta nhốt vào chuồng được thôi nhưng cần thời gian. Nhưng trước khi đưa bầy ngựa vào chuồng thì bầy ngựa đã kịp cầy nát cánh đồng”, ông Võ Văn Thưởng nêu quan điểm.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, những năm đầu đổi mới, báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam bằng cách lấy tin tiêu cực báo chí Việt Nam tập hợp vào tờ báo của họ để đăng, thành ra tờ báo đó bôi đen toàn bộ những kết quả chúng ta đạt được trong kinh tế xã hội trong nước.
“Bây giờ các tờ báo nước ngoài không làm được điều đó nữa thì chúng ta lại cung cấp giấy phép hoạt động cho những công ty dưới danh nghĩa công ty kinh doanh công nghệ làm chuyện đó.
Báo Mới là dạng đó. Cứ ông nào tiêu cực là đẩy lên Báo Mới. Theo kiểu đếm view, người đọc. Rồi Netnews. Một số trang thông tin điện tử cũng theo kiểu đó”, ông Thưởng nói.
Từ vấn đề trên, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cho hay truyền thông xã hội là kênh rất quan trọng, phải lan tỏa thông tin tích cực.
Cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát các tổ chức đảng, đảng viên, chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đảng viên sai phạm.
Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội.
“Từ nay tới cuối năm, sang năm, trong quá trình chuẩn bị Đại hội, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng Internet, mạng xã hội vi phạm luật an ninh mạng để xử lý thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.
Mục tiêu môi trường báo chí truyền thông, từ đây đến Đại hội 13 phải lành mạnh”, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ yêu cầu.
Mạng xã hội của Ban Tuyên giáo TƯ nhiều lần bị hacker tấn công
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thanh Long, thông tin trên hệ thống VCNET được bảo mật. Vừa qua có rất nhiều cuộc hacker tấn công nhưng đều bảo vệ được.
Hương Quỳnh