Có một câu nói mà nhiều người vẫn hay nhắc đi nhắc lại từ CEO tập đoàn truyền thông Ringier Ladina Heimgartner, người vừa đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), đó là: “Báo chí đã để lỡ chuyến tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, nên đừng để lỡ tàu một lần nữa”.

Và vì vậy, động thái đầu tiên của bà Heimgartner khi đảm nhận cương vị mới là ký một thỏa thuận giữa WAN-IFRA với công ty OpenAI mang tên “AI Accelerator for Newsroom” (tạm dịch: Tăng tốc AI cho tòa soạn) nhằm giúp các cơ quan báo chí thúc đẩy quá trình tiếp nhận và triển khai AI để tạo ra hiệu quả làm việc cũng như nội dung chất lượng.

Vậy câu hỏi đặt ra là AI cụ thể đã và sẽ đem lại những gì cho các cơ quan báo chí?

man robot handshake digital ai hologram ai generative illustration.jpg
AI đã và sẽ đem lại những gì cho các cơ quan báo chí? Ảnh minh hoạ: Freepik

Báo chí nước ngoài đang tăng tốc

Ông Vincent Peyregne, CEO của WAN-IFRA, đưa ra quan điểm: “Thời đại của AI, đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI), mang lại cơ hội lớn cho các tòa soạn. AI có thể hỗ trợ trong việc tạo ra và cải thiện nội dung hoặc hỗ trợ trong việc phân tích sâu hơn thông tin và dữ liệu. Nó cũng có thể nâng cao trải nghiệm người dùng trên các trang tin tức. Các tòa soạn cũng có thể sử dụng AI khi tìm định dạng mới để cung cấp thông tin cho độc giả”.

Thực tế, từ trước khi WAN-IFRA ký kết chương trình “tăng tốc” với OpenAI thì nhiều tòa soạn đã chủ động “nhấn ga” trong “cuộc đua” đưa AI vào báo chí.

Đơn cử như Nikkei, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tin kinh tế của Nhật Bản với khoảng 1.000 bài báo được xuất bản mỗi ngày. Nikkei phát hiện ra một bộ phận khán giả quan tâm đến tin tức của mình nhưng không sẵn sàng trả phí đăng ký 30 USD mỗi tháng. Những độc giả này cũng nhận thấy phần lớn các bài viết trên Nikkei.com khó đọc, quá dài và tốn thời gian. Chính vì vậy, Nikkei đã phát triển sản phẩm dựa trên GenAI có tên “Minutes by Nikkei”, giúp tiếp cận và kiếm tiền từ lớp độc giả mới. Sản phẩm này mất tới 6 tháng để phát triển, sử dụng AI tổng quát và các thuật toán độc quyền kết hợp nhiều bài viết thành một, được viết lại theo phong cách dễ hiểu, chỉ nêu bật những điểm chính của tin tức.

Mỗi ngày có 3 bài báo như vậy được xuất bản, sau đó được Nikkei đóng gói thành sản phẩm “Minutes” với giá 7 USD/tháng. Các bài báo cũng được sản xuất dưới dạng podcast nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của độc giả. Đương nhiên, Nikkei không phó mặc cho robot mà phân công các biên tập viên làm nhiệm vụ hiệu đính trước khi bấm nút xuất bản.

Seiya Shinhashi, Giám đốc sản phẩm phụ trách Minutes cho biết, Nikkei từng lo ngại sản phẩm mới có thể cạnh tranh với gói tin “Premium” truyền thống, nhưng điều này đã không xảy ra, vì độc giả doanh nghiệp thường xuyên không hài lòng với chỉ 3 bài báo. Nghĩa là độc giả trung thành vẫn mua gói cao cấp, và gói Minutes thì hướng đến những khách hàng hoàn toàn mới, những người trước đây chưa “thò tay vào ví” để chi trả các gói đọc tin của Nikkei.

Đấy chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy các tòa soạn trên thế giới đã đi qua giai đoạn thử nghiệm hoặc áp dụng AI theo trend (xu hướng) như nhiều người vẫn nghĩ, mà đã tạo thêm nguồn thu mới nhờ vào AI.

Cũng thu được thành công ngoạn mục như Nikkei là trường hợp của tờ Stuff tại New Zealand khi dùng GenAI xuất bản các bài viết dưới dạng nội dung được tài trợ (sponsor content) về những lĩnh vực chuyên biệt như ôtô, bất động sản… Matt Headland, Giám đốc điều hành mảng thương mại của Stuff cho biết, báo đã tiết kiệm được 60 giờ làm việc cho việc sản xuất những bài báo như trên trong tháng Ba vừa rồi. Và quan trọng hơn là doanh thu tăng nhờ sản lượng tăng.

Headland chia sẻ, ban đầu rất khó thuyết phục nhân viên áp dụng các công cụ AI vì họ lo ngại công nghệ sẽ lấy mất việc của các biên tập viên: “Phải mất một thời gian để mọi người chấp nhận các công cụ mà chúng tôi đưa ra. Nhưng khi nhìn thấy lợi ích và quy mô của nội dung cũng như doanh thu mà nó tạo ra, mọi người thực sự đồng loạt tham gia”.

Chuyên gia Peyregne nhấn mạnh: “Công nghệ AI có thể tạo ảnh hưởng tích cực cho tòa soạn nếu như bạn biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội và hiểu cách biến nó thành lợi thế”.

“Tôi rất vui mừng về sự hỗ trợ của OpenAI giúp các tòa soạn áp dụng công nghệ AI để sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao. Bởi báo chí chất lượng cao cũng là cốt lõi của kinh doanh tin tức”, ông Peyregne bổ sung.

Báo chí Việt Nam cần “lắp thêm động cơ”

Tại Việt Nam, chúng ta vẫn thường dị ứng với cụm từ “kinh doanh tin tức” dù trên thực tế thì đó cũng là một món hàng. Song một số cơ quan báo chí đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của truyền thông số.

Đơn cử, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tung ra gói “Premium” dành cho các thuê bao đặt báo dài hạn, tặng kèm gói sử dụng chatbot có tên Askonomy có thể đưa ra các câu trả lời, tư vấn liên quan đến vấn đề kinh tế. Thậm chí, chatbot này còn cung cấp cả biểu đồ trực quan cho người dùng.

Một số tòa soạn khác, dù chưa có những sản phẩm ứng dụng AI liên quan trực tiếp đến mảng kinh doanh, nhưng cũng giúp nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng của thông tin. Các sản phẩm đơn giản dạng biến văn bản thành giọng nói (hoặc ngược lại), biến văn bản thành hình ảnh, video trở nên phổ biến cũng ngang với việc sử dụng AI để gợi ý, đóng gói tin tức phục vụ từng đối tượng độc giả riêng biệt, nhằm cá nhân hóa nội dung cho người dùng. Các sản phẩm báo chí chất lượng cao của VnExpress hay VietnamPlus được sản xuất thường xuyên hơn nhờ tòa soạn tối ưu hóa được quy trình sản xuất thông qua AI.

Một trong những lợi ích của chuyển đổi số là đa dạng hóa nguồn thu, và nhiệm vụ này cũng được cơ quan quản lý mở lối trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí quốc gia do Chính phủ ban hành năm 2023 (theo Quyết định số 348/QĐ-TTg). Và nhờ có AI, nhiều tòa soạn đã có thể bước chân vào những lĩnh vực trước nay vốn không phải thế mạnh của mình. Ví như việc lập kế hoạch truyền thông, lên kịch bản tọa đàm, hội thảo giờ đều đã được thực hiện dễ dàng nhờ có trợ lý AI, tương tự như cách tờ Stuff đã làm.

Tuy nhiên, AI cũng không phải tự dưng mà có giống như ông Bụt hiện ra trong câu chuyện cổ tích. Sẽ không có gì thay đổi trong mỗi tòa soạn nếu không chủ động đầu tư cho công nghệ, nhân sự và đào tạo kỹ năng mới cho các phóng viên, biên tập viên. Và quan trọng là tư duy đổi mới sáng tạo từ đội ngũ lãnh đạo.

Tuần trước, người viết có đóng vai một “báo cáo viên” trong buổi tập huấn về công nghệ phục vụ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí tại một tỉnh miền Trung. Cuối buổi, một học viên khá cao tuổi đến bắt tay báo cáo viên rồi nói: “Các kiến thức mới về AI hay quá, nhưng giá học viên ở đây là lãnh đạo các cơ quan báo chí thay vì nhân viên như chúng tôi thì tốt biết mấy!”.

Vì đổi mới bao giờ cũng cần từ trên xuống dưới.

Nguyễn Hoàng Nhật (Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus)