Sau hơn sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước đã có nhiều thay đổi: Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện hơn, các công tác khuyến nông, lâm, ngư đã đạt hiệu quả tốt hơn. Đời sống nông dân từng bước được nâng cao. Không chỉ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực nông thôn cũng có nhiều thay đổi. Nhiều chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư, triển khai thực hiện góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.

{keywords}
Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí đã góp phần tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để người dân thực hiện. Ảnh minh họa

Có được những kết quả này, một phần nhờ vào công sức của các cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương đến địa phương. Báo chí truyền thông đã góp phần tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới… Nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông thôn, nông nghiệp, nông dân đã được mở và duy trì, được đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của người dân, như các chương trình “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới”, “Nông nghiệp sạch”, “Câu chuyện nông thôn, “Nông thôn đổi mới”…

Trong những năm qua, các địa phương cũng đã tuyên truyền hiệu quả về chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, cùng với các công cụ tuyên truyền khác như sách, phim phóng sự, hội diễn văn nghệ gắn với gắn với tìm hiểu cơ chế, chính sách, cách làm hay, điển hình tiêu biểu cũng như khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nông thôn mới… Những hình thức tuyên truyền này không chỉ giúp người dân hiểu thêm về chương trình xây dựng Nông thôn mới, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân cũng như nhận thức của chính nông dân về vai trò, vị trí của họ và của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, báo chí, truyền thông tích cực song hành với chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho người nông dân hiểu được chủ trương của, chính sách của Nhà nước, đồng thời các cơ quan quản lý nhà Nước từ đó cũng nắm bắt được những thông tin thiết thực, có được góc nhìn đa chiều, không phụ thuộc vào báo cáo hành chính của các cơ sở...

Trong những năm qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực thông qua hội nghị, hội thảo, đề án… phục vụ xây dựng nông thôn mới, mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cuộc thi báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn dành cho các nhà báo ASEAN…

Còn theo bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trong lĩnh vực văn hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Việc này cũng góp phần khai thác hiệu quả những thế mạnh, nguồn lực của địa phương vào phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho đồng bào, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp, công cụ để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng khiến nông dân giữ nghề truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Trong một thời gian dài, liên tục, những tác phẩm báo chí viết về xây dựng nông thôn mới trước hết dành cho những người nông dân – chủ thể của chương trình. Những bài viết, những bản tin phải sinh động, hấp dẫn, nhiều hình ảnh ở những góc độ khác nhau , có clip minh họa... Nội dung tuyên truyền chú trọng cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.

Thực tiễn đã cho thấy, những đóng góp của báo chí truyền thông cũng góp phần tạo hiệu quả khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực.

Hồng Thúy