Xã Giao Phong nằm ở phía Tây Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, có quốc lộ 37b, Quốc lộ ven biển đi qua. Xã có 2.467 hộ, 6.835 nhân khẩu; ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác hải sản trên biển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại…

Giao Phong là xã đầu tiên trong hơn 200 xã, thị trấn của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022. Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập…, Giao Phong đặc biệt nổi bật về kết quả chuyển đổi số. Đây là cơ sở để Giao Phong được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh. 

W-Ảnh màn hình 2024 09 09 lúc 16.38.50.png
Xã NTM Giao Phong nhìn từ trên cao

Sau khi được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để xã làm căn cứ rà soát, triển khai thực hiện, với 6 nội dung và 18 tiểu mục tiêu chí.

Giữa tháng 3 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định thông tin, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong.

Theo quyết định, mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025, do UBND xã này làm chủ mô hình với các cơ quan phối hợp là UBND huyện Giao Thuỷ, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy và các đơn vị có liên quan.

Kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác là 4,5 tỷ đồng.

Trong quyết định, UBND tỉnh Nam Định phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các, sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Giao Thuỷ và UBND xã Giao Phong.

Xã phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí, xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh bảo đảm 3 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.

Trên địa bàn xã, tỷ lệ người dân theo độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 95%; tỷ lệ phủ sóng mạng di động (4G/5G) trong phạm vi xã đạt 95%; 100% số cán bộ xã, thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt 95%.

Trong công tác quản lý điều hành, Giao Phong triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, kết quả số hóa thủ tục hành chính hay kết quả thanh toán trực tuyến của xã đều đạt mức cao. Xã hiện có bốn sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ ba sao trở lên, tất cả được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử; có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu kinh tế-xã hội; tám điểm công cộng lắp đặt wifi miễn phí tốc độ cao; 92 camera giám sát tình hình an ninh trật tự…

Tính đến nay, xã Giao Phong cơ bản đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu của 6/18 nội dung theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (xây dựng chính quyền điện tử định hướng chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số, kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự).