Hiến pháp 2013 nêu rõ: không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả mọi người, bao gồm cả người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ như công dân Việt Nam…
Kể cả về tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác; bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài; được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam hiện nay đang điều chỉnh việc quản lý lao động nước ngoài thông qua các văn bản pháp luật, các chính sách về điều kiện làm việc, thực hiện việc quản lý, báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xây dựng hoàn thiện các chính sách quản lý phù hợp, thông qua một số văn bản pháp luật điều chỉnh chính sau đây:
Bộ luật Lao động 2019 quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật cốt lõi cơ bản điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam, các khía cạnh như lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện làm việc tại Việt Nam…
Thông tư số 22/2019/TT-BLDTBXH Ban hành Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Thông tư này hướng dẫn việc cấp giấy phép làm việc cho người nước ngoài tại Việt Nam và các điều kiện, yêu cầu cần thiết để làm việc.
Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lao động về việc làm cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Chi tiết hóa các quy định pháp luật về việc làm, pháp luật về lương, bảo hiểm cho người lao động nước ngoài.
Đặc biệt, mới đây, ngày 25/6, Quốc hội đã ban hành Luật 23/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đã đưa ra nhiều đột phá trong chính sách, tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam.
Các văn bản pháp luật này cùng với các quy định, thông tư và các quy chế khác liên quan đến quản lý lao động nước ngoài đã tạo hành lang pháp luật quan trọng trong việc điều chỉnh, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.
Số lao động là người nước ngoài tại Việt Nam đã tăng từ 72.172 (năm 2013) lên 92.100 người (tháng 7-2019). người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được hưởng các ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam; ngoài ra, còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Năm 2019, Việt Nam đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 cụ thể hơn các quy định về lao động của người nước ngoài tại Việt Nam (từ Điều 169 đến 175) nhằm bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.
Tính tới cuối năm 2022, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có hơn 500 tổ chức đăng ký hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang chuyển dần từ quan hệ cho nhận đơn thuần sang quan hệ hợp tác, đối tác phát triển, có những thay đổi trong mô hình hợp tác, nâng cao năng lực cộng đồng. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng thụ hưởng.