Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp đã bước đầu động viên cán bộ, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động đồng thời tạo môi trường đoàn kết, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt, việc thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã có những bước chuyển mạnh mẽ, mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp.

Hội nghị đại biểu người lao động Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội năm 2022.

Nhằm hoàn thiện thể chế về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong kỳ họp vừa qua, các vị ĐBQH đã nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn lại nhiều vụ án như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ Mobifone…

Theo đại biểu, tất cả những vụ này đều có điểm chung là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Đại biểu cho rằng: "Về nguyên lý, bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước". Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An), việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một dự án Luật khó, đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể; cũng là một dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc.

Phương pháp tiếp cận, cách thiết kế của dự án Luật này đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là nhân dân.

Đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nội dung này là kế thừa các quy định trước đó và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng, xung đột các bộ luật, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động Việt Nam tham gia và bảo đảm đưa mối quan hệ hài hòa, hợp tác phát triển.

Nếu doanh nghiệp làm tốt thì là biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.

Hồ Nhụy, Huyền Sâm, Quyết Thắng